Đã có gần 195 nghìn tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4
Tính đến 8h30 sáng nay (27/4), gần 195 nghìn tấn gạo đã được xuất khẩu, trong đó có 4000 tấn gạo nếp trong tháng 4 phần lớn được làm thủ tục thông quan tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).
Tính đến 8h30 sáng ngày 27/4, đã có gần 195 nghìn tấn gạo đã được xuất khẩu trong hạn ngạch tháng 4. Ảnh Chụp màn hình.
Đã có gần 195 nghìn tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan (TCHQ) đến 8h30 sáng nay, đã có hơn 194.930 tấn gạo được xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4/2020. Số liệu này được cơ quan hải quan cập nhật 60 phút/lần trên hệ thống.
Trong tháng 4, số lượng gạo được xuất khẩu theo hạn ngạch Bộ Công Thương đã công bố là 400.000 tấn.
Trong tổng số hơn 194.930 tấn gạo nêu trên, phần lớn được làm thủ tục xuất khẩu qua cảng Cát Lái. Theo đó, từ ngày 19 đến 25/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã làm thủ tục thông quan cho 4.374 container, với trên 114.065 tấn gạo xuất khẩu. Số gạo xuất khẩu này được các doanh nghiệp mở 251 tờ khai thực hiện trong hạn ngạch gạo xuất khẩu tháng 4.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng làm thủ tục thông quan đối với 12 tờ khai xuất khẩu gạo nếp, với tổng số gạo được thông quan gần 4.000 tấn.
Trước đó, ngày 25/4 TCHQ có công văn hỏa tốc gửi cộng đồng doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo và cục hải quan các tỉnh thông báo thời gian tiếp nhận tờ khai đăng ký xuất khẩu hơn 38.600 tấn gạo.
Theo đó, bắt đầu từ 0h ngày 26/4, cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai hải quan xuất khẩu 38.642,56 tấn gạo thuộc hạn ngạch của tháng 4.
Doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan trên hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS.
Tổng lượng gạo đăng ký xuất khẩu trong hạn ngạch sẽ không vượt quá 38.642,56 tấn nói trên.
Giải thích về 38.624,56 tấn gạo mà doanh nghiệp được mở tờ khai xuất khẩu từ 0h00 ngày 26/4, TCHQ cho biết, đây là tổng lượng gạo nếp mà các thương nhân đã đăng ký tờ khai từ 12/4.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, gạo nếp không thuộc hạn ngạch xuất khẩu, được xuất khẩu bình thường. Do đó, tổng lượng gạo nếp này sẽ được cộng trở lại vào hạn ngạch của tháng 4.
Hệ thống hải quan điện tử sẽ trừ lùi theo số lượng gạo được đăng ký trên tờ khai. Nếu số lượng gạo đăng ký trên tờ khai vượt quá hạn ngạch cho phép thì hệ thống sẽ không chấp nhận.
Liên quan đến xuất khẩu gạo nếp, đầu tháng 4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có văn bản kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp bình thường. Bởi gạo nếp chủ yếu được sản xuất chỉ để phục vụ xuất khẩu chứ tiêu dùng trong nước rất ít.
Riêng tỉnh An Giang, sản lượng thóc nếp mỗi năm thu hoạch được 747.500 tấn trên diện tích gieo trồng 115.000ha. Không chỉ địa phương mà trong văn bản góp ý cho Bộ Công thương để hoàn thiện dự thảo báo cáo Thủ tướng về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo của tháng này, hôm 2/4 Bộ Tài chính cũng kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ bình thường.
Tuy nhiên, ngày 10/4, bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quyết định 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4. Trong quyết định này, chỉ nêu hạn ngạch xuất khẩu gạo là 400.000 tấn gạo mã HS 10.06.
Do đó, tất cả những tờ khai xuất khẩu gạo đều bị tính vào hạn ngạch. Sau đó, ngày 15/4, Bộ Công thương cũng có văn bản sửa sai khi kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo nếp trở lại.
Quá nhiều bất cập liên quan đến cơ chế điều hành xuất khẩu gạo được phát sinh từ ngày 12/4 khi TCHQ nhận tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo của các thương nhân.
Đó là rất nhiều doanh nghiệp bức xúc không thể đăng ký tờ khai do cơ quan hải quan mở hệ thống tiếp nhận lúc nửa đêm, không thông báo cho doanh nghiệp. Trong số 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai thành công thì có 1 doanh nghiệp mở được 102 tờ khai xuất khẩu với 96.234 tấn gạo.
Thêm nữa, có hàng chục nghìn tấn gạo đang nằm chờ xuất ở cảng biển và cửa khẩu cả tháng nay, có hợp đồng nhưng không đăng ký xuất khẩu được.
Nhiều doanh nghiệp đã nghi vấn có dấu hiệu trục lợi chính sách ở việc điều hành, thực hiện đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo hạn ngạch của tháng này.
Để làm rõ những lùm xùm xung quanh việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo hạn ngạch của tháng này, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định về xuất khẩu gạo. Mục đích thanh tra là làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực.
Chiều 24/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Quyết định nêu rõ, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP -KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Cuộc thanh tra do ông Lê Quang Tiệp, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Đoàn Thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch tiến hành thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.