Đã có tiêm kích tàng hình J-20, vì sao Trung Quốc vẫn đặt mua Su-35 của Nga?
Với việc Trung Quốc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi tại sao quân đội Trung Quốc (PLA), vẫn đặt mua máy bay Su-35 thế hệ 4 ++ từ Nga vào tháng 11/2015 theo hợp đồng trị giá 2 tỷ USD.
Không quân Mỹ đã không đặt hàng thêm các tiêm kích F-15 hoặc F-16 khi các tiêm kích thế hệ thứ năm của họ là F-22 và F-35 được đưa vào sử dụng - và người ta kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ làm theo. Việc PLA thực hiện một cách tiếp cận khác, không tìm cách loại bỏ các máy bay thế hệ thứ tư hoặc thậm chí ngừng mua chúng, khiến nhiều người suy đoán rằng điều này là do thiếu niềm tin vào thiết kế của J-20 .
Mặc dù thuật ngữ thế hệ thứ năm cho thấy đây là máy bay chiến đấu có khả năng cao hơn thế hệ thứ tư, cũng giống như các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15 của Mỹ có khả năng cao hơn thế hệ thứ ba F-4E, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến được phát triển trong những năm 2010 đã tích hợp một số công nghệ thế hệ tiếp theo mang lại một số lợi thế về khả năng so với các thế hệ tiếp theo.
Một máy bay chiến đấu thế hệ năm cần được chế tạo với thiết kế khung thân làm sao giảm tiết diện phản xạ radar để nâng cao năng lực tàng hình. Điều này vô hình trung đã loại trừ nhiều thiết kế thế hệ thứ tư rất cao cấp - đáng chú ý nhất là Su-35 Flanker-E và đối thủ nhẹ hơn và mới hơn của nó là MiG- 35, theo Military Watch. Một ví dụ điển hình, so sánh Su-35 với F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc, sẽ thấy Su-35 có lợi thế khi mang được tới 14 tên lửa không đối không, động cơ vectơ lực đẩy ba chiều cực kỳ linh động giúp may bay có độ cơ động rất cao, đi kèm hệ thống tìm kiếm theo dõi hồng ngoại - những khả năng mà cả J-20 và F-22 đều thiếu. Các hệ thống tác chiến điện tử của Su-35 cũng được cho là vượt trội - mặc dù điều này có thể không được áp dụng cho các biến thể Su-35 xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặc dù Su-35 vẫn giữ được một số lợi thế so với J-20, nhưng điều này không làm cho nó trở thành một máy bay chiến đấu vượt trội toàn diện. Thiết kế tàng hình của chiếc J-20 Trung Quốc, hệ thống cảm biến lớn hơn và tích hợp một số công nghệ thế hệ tiếp theo khiến nó vượt trội Su-35 trong các cuộc giao chiến tầm xa - một lợi thế sẽ chỉ có được một khi J-20 được tích hợp động cơ vectơ lực đẩy WS-15 thế hệ tiếp theo hiện đang được phát triển. Tuy nhiên, ngay cả khi J-20 hoạt động tốt hơn Su-35, PLA vẫn có lý do mạnh mẽ để mua máy bay phản lực Nga. Su-35 nhẹ hơn và rẻ hơn so với J-20 và cung cấp cho PLA sự đa dạng hơn trong phi đội chiến đấu - bao gồm các hệ thống tác chiến điện tử, tên lửa không đối không và tên lửa hành trình mà Su-35 triển khai giúp phi đội linh hoạt hơn và khó đối phó hơn.