Đa dạng các hoạt động phục vụ nhu cầu văn hóa – thể thao của người dân nông thôn
ĐTO - UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), các sở, ngành liên quan, Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến các cấp cùng với các công ty, doanh nghiệp triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp, hỗ trợ trang thiết bị tại các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng (VH-HTCĐ). Năm 2019, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các Trung tâm VH-HTCĐ có nhiều hoạt động mới, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho người dân, đặc biệt là người dân nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 78 xã có Trung tâm VH-HTCĐ được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Một số các Trung tâm VH – HTCĐ sử dụng chung hội trường xã. Ngoài ra, hơn 250 Nhà văn hóa ấp được xây mới, 24 Nhà văn hóa sinh hoạt chung với Trung tâm VH-HTCĐ, 20 Nhà văn hóa liên ấp, 212 Nhà văn hóa sử dụng trụ sở Ban Nhân dân ấp, các ấp còn lại sử dụng các thiết chế văn hóa khác để hoạt động. Cải tiến và nâng chất lượng hoạt động của các Trung tâm VH-HTCĐ, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn, phân công nhiệm vụ, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, phổ biến xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, chương trình xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời... phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức các lớp chuyên đề phổ biến kiến thức thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, sức khỏe, thể thao, vận động tuyên truyền người dân phòng ngừa dịch bệnh...
Hoạt động của các Trung tâm VH-HTCĐ được sự quan tâm của huyện, thị, thành ủy, UBND huyện, thị xã, thành phố, các phòng chuyên môn. Năm 2019, các Trung tâm VH-HTCĐ chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phục vụ cho nhu cầu người dân, hội viên. Tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Trung tâm VH-HTCĐ được đầu tư xây dựng khang trang. Công tác quản lý và điều hành thông qua Ban giám đốc Trung tâm. Nội dung hoạt động theo quy chế, kế hoạch, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm mở các lớp tuyên truyền, tổ chức hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương như: xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Bí thư, Phó Bí thư tiếp xúc với đảng viên, cán bộ công chức, nhân dân; học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng, các giải thể thao, văn nghệ... Đặc biệt, vào các buổi chiều trong tuần, tại Trung tâm VH-HTCĐ tổ chức các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, Karatedo, bóng đá... thu hút nhiều người dân tham gia. Trong tháng 8, thực hiện Tháng khuyến học, chuyên đề xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, Hội Khuyến học tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp, Thư viện tỉnh đã đến xã Gáo Giồng tặng 40 suất học bổng, 20 góc học tập, 10 xe đạp cho học sinh nghèo và 1 Tủ sách khuyến học cho xã. Ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Gáo Giồng cho biết: “Trong khuôn viên của Trung tâm gồm hội trường, phòng làm việc, phòng truyền thống, phòng máy tính..., khu thể thao gồm sân bóng đá, sân võ thuật, sân tập dưỡng sinh, hội trường có trang bị âm thanh, ti vi, các dụng cụ tập thể dục – thể thao và các công trình phụ trợ khác. Trung tâm mở cửa thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân địa phương. Tủ sách Khuyến học với nhiều loại sách phục vụ nhu cầu đọc của các em học sinh, người dân nơi đây”.
Tại huyện Tháp Mười, hiện có 12/13 xã, thị trấn có cơ sở riêng đảm bảo về cơ sở vật chất để Trung tâm VH–HTCĐ tổ chức các hoạt động. Các Trung tâm đều xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tập huấn về khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phổ cập giáo dục, hội thảo chuyên đề... Các Trung tâm đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười tổ chức các lớp trung cấp, sơ cấp nghề, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho hơn 80% người tham gia học nghề, 90% người dân tiếp cận kiến thức, kỹ năng khoa học, nông nghiệp. Tại một số Trung tâm VH-HTCĐ được bố trí các Tủ sách Khuyến học phục vụ nhu cầu đọc, cập nhật thông tin của người dân và học sinh. Mỗi năm, huyện thành lập Đoàn kiểm tra đánh giá, chấm điểm, xếp loại Trung tâm VH-HTCĐ về quy chế, hiệu quả hoạt động để có các giải pháp phát triển, nhân rộng và khắc phục những hạn chế.
Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, đổi mới các hoạt động phục vụ nhu cầu cho người dân, hội viên tại các địa phương, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL, Hội Khuyến học tỉnh cùng các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các đề án, kế hoạch, tiêu chí văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa tại các địa phương. Khuyến khích, vận động người dân tham gia các câu lạc bộ, tổ, nhóm sinh hoạt các nội dung đa lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, y tế, giáo dục, sức khỏe, việc làm..., giúp người dân có điều kiện tốt nhất tiếp cận với những chủ trương, chính sách mới, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.