Đa dạng các hoạt động trong tháng cao điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Xác định công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có tầm quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Xác định công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có tầm quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Đặc biệt, trong thời qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đảm bảo ATTP được điều chỉnh phù hợp gắn với yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền
Theo số liệu thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 18.598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có hồ sơ quản lý, trong đó ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở, gồm: 1.664 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống; ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở kinh doanh thực phẩm; ngành Nông nghiệp quản lý 10.061 cơ sở kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, sản xuất, cung ứng giống chăn nuôi, thủy sản. Nhằm tăng cường công tác đảm bảo VSATTP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Trong năm 2021 và quý I-2022, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành ATVSTP tỉnh đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới; phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cảnh báo sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong chế biến bảo quản thực phẩm; cảnh báo sản phẩm vi phạm ATTP, sử dụng chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe; cảnh báo cơ sở sản xuất tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP… Chi cục ATVSTP tổ chức truyền thông trực tiếp cho trên 200 cán bộ phụ trách công tác ATTP của 90 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể về bảo đảm ATTP trong phòng chống dịch COVID-19; phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 4 hội nghị truyền thông trực tiếp cho hội viên về bảo đảm ATTP đối với gia đình trong phòng chống dịch COVID-19. Ngành Nông nghiệp tổ chức 55 lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức, xúc tiến thương mại cho 2.892 người đại diện các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các trang thông tin điện tử, đặc biệt là hệ thống phát thanh, loa đài ở xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải nhiều tin bài, hoạt động về công tác đảm bảo ATTP. Các ngành chức năng, các địa phương chăng treo 3.628 băng rôn, khẩu hiệu, tranh áp phích, poster; in sao 1.015 băng đĩa tuyên truyền về đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch COVID-19; in phát 20 pa-nô, 45 bảng biển tuyên truyền về ATTP cho các bếp ăn tập thể; in sổ tay chuyên môn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, Sổ tay hướng dẫn công tác đảm bảo ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ sự kiện, hội nghị; cấp phát trên 2 vạn tờ rời, 100 tạp chí, 170 sổ tay tuyên truyền kiến thức xúc tiến thương mại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đào tạo, tập huấn về ATTP được chuyển sang hình thức trực tuyến hoặc nhóm nhỏ cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể để đảm bảo hiệu quả.
Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về ATTP
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, BCĐ liên ngành ATVSTP các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về ATTP như: Giám sát ATTP, công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng hàng hóa, phòng chống ngộ độc thực phẩm và sự cố ATTP; xây dựng mô hình điểm về kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn… Từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức 9 đợt giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng tham gia; có đông người. Giám sát đảm bảo ATTP các khu cách ly phòng chống dịch COVID-19... Qua lấy 4.528 mẫu thực phẩm xét nghiệm nhanh, có 510 mẫu không đạt (chiếm tỷ lệ 11,3%). Thực hiện công tác hậu kiểm, ngành Y tế đã lấy 134 mẫu kiểm nghiệm sau công bố chất lượng sản phẩm; kết quả, 31 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 23,1% (giảm 0,4% so với cùng kỳ). Phối hợp với các Viện kiểm nghiệm Trung ương lấy mẫu các loại thực phẩm trên địa bàn. Các mẫu không đạt đã được truy xuất và cảnh báo, xử lý theo quy định. Hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được quan tâm, đặc biệt tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, các bữa cỗ tập trung đông người. Các ngành chức năng đẩy mạnh các mô hình điểm: Mô hình kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của doanh nghiệp; mô hình “Chi Hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm (vịt thương phẩm), hỗ trợ và củng cố hợp tác xã” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu); mô hình “Chăn nuôi lợn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện đã công nhận 251 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao… Với các hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào nền nếp, hiệu quả; tăng cường đảm bảo ATTP từ các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP các cấp, trong năm 2021 và quý I-2022, toàn tỉnh đã phát hiện 721 cơ sở có vi phạm trong tổng số 4.621 cơ sở được thanh tra, kiểm tra (chiếm 15,6%); giảm 0,4% so với cùng kỳ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về điều kiện VSATTP, vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa, vi phạm về chất lượng hàng hóa và ATTP, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vi phạm về công bố sản phẩm, vi phạm về sử dụng phụ chất bảo quản dùng trong thực phẩm... Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở cơ sở sửa chữa, khắc phục những điểm còn hạn chế, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP nên từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc; chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, gồm: 1 vụ xảy ra tại bữa ăn gia đình ở phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) có 4 người mắc; 1 vụ xảy ra tại bữa cỗ gia đình ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có 25 người mắc; 1 sự cố ATTP xảy ra tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) có 2 trẻ em mắc do uống trà Ô Long đóng chai; không có tử vong.
Hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2022
Với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới” (từ 15-4 đến 15-5-2022), BCĐ liên ngành ATVSTP các cấp đã xây dựng, triển khai kế hoạch hưởng ứng. Trong đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức ATTP, quy định pháp luật của Nhà nước về VSATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng về ATTP. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác đảm bảo ATTP; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, nhất là các địa bàn, cơ sở trọng điểm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng ATTP. Ngành Y tế chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm, giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm an toàn. Phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn cho nông sản. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Y tế rà soát điều kiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm theo quy định; triển khai các chương trình về quản lý chất lượng VSATTP cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm. Rà soát kiểm tra trang thiết bị, công nghệ sản xuất các mặt hàng thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; kiên quyết loại bỏ những thiết bị không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh tới môi trường và sức khỏe nhân dân. Các lực lượng chức năng: Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
Bài và ảnh: Minh Tân