Đa dạng các loại hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nghề dệt thổ cẩm được nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hòa theo học nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: KIM CHI
Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNCLĐNT), tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho biết:
- Hiện nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Các cơ sở này được trung ương và địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ.
Trong những năm qua, toàn tỉnh xác định ĐTNCLĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tham gia nhằm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, giúp LĐNT được nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng năng suất lao động góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn nhanh chóng triển khai đến các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện thông qua các đợt tập huấn; đồng thời lồng ghép việc phổ biến, hướng dẫn bằng văn bản nội dung các nghị định, thông tư hướng dẫn mới theo Luật Giáo dục nghề nghiệp cho các địa phương cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống dạy nghề và công khai hóa các chính sách chế độ về ĐTNCLĐNT các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp
* Từ đầu năm đến nay, công tác ĐTNCLĐNT đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Trong 9 tháng đầu năm 2020, một số cơ sở GDNN-GDTX có tham gia tuyển sinh và dạy nghề các ngành nghề cụ thể như: Hàn, kỹ thuật pha chế đồ uống, điện dân dụng, may thời trang, phòng và trị bệnh cho trâu - bò - gà - vịt, kỹ thuật chế biến món ăn, tin học văn phòng, kỹ thuật trồng lúa nước chất lượng cao, kỹ thuật làm bánh, lái xe ô tô… đã thu hút được nhiều học viên tham gia. Toàn tỉnh có 2.315 LĐNT học nghề, trong đó nghề phi nông nghiệp: 1.621 người, nghề nông nghiệp: 694 người.
Từ các cơ chế chính sách về GDNN, công tác đào tạo đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương; đồng thời tạo lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động.
Qua đào tạo nghề, nhiều NLĐ đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động. Nhiều người biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trong 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt gần 70% (trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề hơn 50%.)
* Một trong những giải pháp để thu hút NLĐ học nghề đó là công tác tuyên truyền. Vậy công tác này thời gian qua được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề LĐNT tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan báo, đài từ trung ương đến địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác ĐTNCLĐNT cũng như các chủ trương, chính sách mới hướng dẫn thực hiện về công tác đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và tuyển dụng, củng cố nâng cao chỉ số thành phần về đào tạo lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn chú trọng tới việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp NLĐ lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
* Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là bước sang năm 2021. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác ĐTNCLĐNT từ nay đến cuối năm là gì, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm 2020, nhiệm vụ của công tác ĐTNCLĐNT là tiếp tục đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề và triển khai thực hiện tốt đề án ĐTNCLĐNT giai đoạn 2016-2020, đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ. Toàn tỉnh phấn đấu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 lên hơn 70%, trong đó qua đào tạo nghề: 51%.
Để đạt được chỉ tiêu, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành và toàn xã hội; có chiến lược khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề để từ đó thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu các doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện đề án ĐTNCLĐNT và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở dạy nghề LĐNT, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo nghề xong phải có việc làm từ 80% trở lên.
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)