Đa dạng cách làm, giảm nghèo hiệu quả
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại nhiều nơi đã xuất hiện những cách làm, mô hình hiệu quả.
Đa dạng giải pháp
Những ngày này, tại mô hình sản xuất của anh Nguyễn Thế Trình (SN 1982) thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa), không khí lao động nhộn nhịp. Gia đình anh Trình có 3 người con, trong đó một con trai không may bị tai nạn sức khỏe yếu. Theo lời anh Trình, do sức khỏe bản thân không tốt nên anh không thể đi làm ăn xa. Năm 2020, anh mở xưởng làm nhôm kính tại nhà. Do thiếu vốn nên việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Là hộ cận nghèo nên năm 2023, anh được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng sản xuất. Tại xưởng có anh và con trai lớn cùng nhau làm việc; lúc cao điểm thuê thêm 1-2 lao động địa phương. Anh Trình chia sẻ: "Từ nguồn vốn chính sách tôi mới có điều kiện đầu tư nhà xưởng quy mô hơn. Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, tích lũy để sớm trả hết nợ và vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới".
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Sơn Động có gần 26 nghìn hội viên phụ nữ. Để giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp hội trong huyện đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” và được đông đảo hội viên hưởng ứng. Đã thành thói quen, mỗi quý một lần, hơn 100 hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Lừa (thị trấn An Châu) lại xách những túi gạo đến nhà văn hóa để góp vào hũ gạo tình thương giúp đỡ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Bình quân mỗi hội viên góp 5 kg gạo/lần. Số gạo tiết kiệm được chi hội thực hiện chương trình nồi cháo thiện tâm, bán gây quỹ tặng hội viên nghèo.
Không chỉ tại tổ dân phố Lừa, ở các tổ dân phố khác của thị trấn An Châu, hoạt động gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo cũng được triển khai tích cực. Nhờ đó, những năm qua, Hội LHPN thị trấn đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10 nhà “Mái ấm tình thương” với mức từ 20 - 80 triệu đồng/trường hợp. Bên cạnh đó, các chi hội còn tặng giống cây trồng, vật nuôi, quà và hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho hàng trăm lượt hộ nghèo, ốm đau, tai nạn đột xuất. Ba năm qua, Hội LHPN huyện Sơn Động duy trì 95 mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với gần 5 nghìn thành viên. Tổng số tiền tiết kiệm từ các mô hình là gần 9 tỷ đồng, hơn 16 tấn gạo. Từ nguồn quỹ đó, hàng nghìn lượt phụ nữ được giúp đỡ về sinh kế, vốn sản xuất và lương thực, thực phẩm.
Đời sống người dân được cải thiện
Năm 2023, xã Ngọc Vân (Tân Yên) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, sớm hơn kế hoạch một năm. Theo ông Dương Ngô Khoát, Chủ tịch UBND xã, địa phương không chỉ tập trung đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới mà còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 16,3 %. Sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi vượt bậc theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Kết quả rà soát sơ bộ năm 2024, xã còn 29 hộ nghèo, tỷ lệ 1,07%, giảm 1,35% so với năm 2023.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Bảo Sơn (Lục Nam) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Cùng đó tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; mở rộng diện tích cây trồng có giá trị. Xây dựng các hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nâng cao thương hiệu, chất lượng các sản phẩm OCOP như dứa, rượu Bảo Sơn trên thị trường.
Hiện nay, toàn xã có khoảng 170 ha trồng dứa; 180 ha trồng đào, ổi tại các thôn: Đồng Cống, Yên Thiện, Tân Sơn, Đóa. Từ một xã miền núi nghèo, nhịp sống ở Bảo Sơn giờ đây sôi động hơn, đường bê tông đã nối liền tất cả các thôn. Bà con đi lại thuận tiện; vật nuôi, rau quả bán được giá hơn. Theo kết quả rà soát sơ bộ, năm 2024 xã còn 1,57% hộ nghèo. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Thiện, thôn Đồng Cống nhờ chuyển đổi mô hình sang trồng đào huyền mà kinh tế khấm khá, có điều kiện cải tạo nhà ở.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 (năm đầu đánh giá giảm nghèo theo chuẩn đa chiều) đến hết 2023, kết quả giảm nghèo của tỉnh đã tăng dần tính bền vững; tỷ lệ tái nghèo thấp, chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo ở các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Kinh nghiệm của tỉnh là lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình MTQG và chương trình phát triển KT-XH. Rà soát, phân tích đúng nguyên nhân nghèo, nhu cầu hỗ trợ của người dân để giúp đỡ phù hợp, hiệu quả. Cùng đó quan tâm, giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và đa chiều. Tỉnh phát động phong trào thi đua ‘‘Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương lại có cách làm riêng hưởng ứng phong trào. Đơn cử như Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình “Mái ấm công đoàn”, Mặt trận Tổ quốc với nhà đại đoàn kết, Tỉnh đoàn triển khai mô hình “Nâng bước chân em tới trường”...
Để công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ huy động tối đa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/da-dang-cach-lam-giam-ngheo-hieu-qua-095653.bbg