Đa dạng cây trồng trong nhà lưới
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng vào sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình trồng rau, quả của gia đình anh Phạm Văn Viên, xã Định Hòa (Yên Định) cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Phạm Văn Viên, xã Định Hòa (Yên Định) đầu tư xây dựng 6.000m2 nhà màng, nhà lưới và đưa nhiều loại cây trồng vào sản xuất xen canh, gối vụ. Ngoài trồng dưa vàng, gia đình anh còn trồng cà chua leo, măng tây, rau các loại... Anh Viên cho biết: Việc đa dạng cây trồng thích hợp với điều kiện sản xuất trong nhà lưới do thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, năng suất cao. Nhất là trong nhà lưới có thể trồng rau quanh năm, ngay cả vào mùa mưa vì đã có lưới che chắn làm giảm thiểu dập nát rau. Hàng năm, trung bình sản lượng dưa vàng của gia đình anh đạt khoảng 20 tấn; hơn 10 tấn rau, quả các loại, doanh thu khoảng 650 - 700 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới trong sản xuất hoa, nhiều hộ dân ở xã Hợp Lý (Triệu Sơn) đã đầu tư chuyển đổi diện tích trồng hoa truyền thống sang trồng hoa có mái che ứng dụng theo công nghệ nhà màng, nhà lưới. Theo đánh giá của các hộ trồng hoa ở đây, trung bình 1 ha trồng hoa theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 ha trồng hoa có mái che, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tập trung ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương và TP Thanh Hóa..., lợi nhuận từ 400 đến 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 đến 3 lần so với diện tích trồng hoa truyền thống. Hiện các địa phương có diện tích trồng hoa và trồng hoa thâm canh đang tiếp tục khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng các khu nhà màng, nhà lưới, chuyển đổi sang trồng hoa theo hướng thâm canh. Ngoài ra, tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống và Triệu Sơn đã xây dựng được gần 6.000m2 nhà lưới trồng rau thủy canh. Đây là mô hình trồng rau sạch được đầu tư và thực hiện theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Hệ thống máng thủy canh, lọc nước, ống bơm và dẫn nước dinh dưỡng được các đơn vị thiết kế trên cơ sở ứng dụng công nghệ của Israel. Hình thức sản xuất tiên tiến này đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới do thủy canh là phương pháp trồng rau sạch không cần dùng đất, không làm ảnh hưởng tới môi trường do không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, năng suất cao. Với hình thức này, các hộ đã đưa các loại rau ăn lá vào sản xuất, như: rau muống, rau đay, xà lách, rau chân vịt, cải xoăn Kale... có thể trồng nhiều vụ hoặc trái vụ.
Nắm bắt xu hướng này, trong lĩnh vực trồng trọt các địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho năng suất và chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được gần 600.000m2 nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích tập trung nhiều ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa... và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất. Mô hình này không những tạo ra sản phẩm rau, củ, quả chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn thay đổi tập quán sản xuất tự phát, manh mún, tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/da-dang-cay-trong-trong-nha-luoi/136816.htm