Đa dạng chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, thị xã Bình Long quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển... đã tác động tích cực, đổi thay diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hạ tầng cơ sở được duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp, hệ thống giao thông được đầu tư, các trục đường chính từ trung tâm thị xã đến xã, phường được nhựa hóa 100%, tuyến đường liên ấp, khu phố cơ bản được mở rộng.
Trên địa bàn Bình Long có 14 thành phần DTTS sinh sống đan xen, phân bố đều khắp các xã, phường, với 1.535 hộ/6.291 người, chiếm 8,94% dân số toàn thị xã. Cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn thị xã là 10 hộ, trong đó 2 hộ nghèo DTTS; 81 hộ cận nghèo, trong đó 21 hộ cận nghèo DTTS. Nhiều chương trình được triển khai trên địa bàn từ chăm lo đời sống văn hóa đến phát triển kinh tế, tạo điều kiện để người dân vươn lên ổn định đời sống.
HỖ TRỢ THIẾT THỰC
Năm 2021, gia đình ông Điểu Khắc - bà Lâm Thị Kiều, ngụ tổ 3, ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương thụ hưởng nguồn hỗ trợ 106 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia giúp ông bà xây được nhà ở và tạo việc làm. Với số vốn được hỗ trợ, gia đình mua 4 con dê, đến nay đàn dê phát triển lên 16 con. Kinh tế gia đình dần ổn định và đã thoát nghèo. Bà Kiều cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi bây giờ ổn định, không còn nợ nần. Hằng ngày, chồng tôi đi cắt lá cho dê ăn, chăm lo cuộc sống gia đình”.
Chăn nuôi dê được nhiều hộ DTTS lựa chọn để phát triển kinh tế. Gia đình ông Điểu Ưng ở ấp Phố Lố, xã Thanh Lương được hỗ trợ 10 con dê giống. Nhận dê vào cuối năm 2023, ông tích cực chăm sóc để đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt, có nguồn thu. Ông Điểu Ưng chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn dê để có thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế, để cuộc sống ngày càng tốt hơn”.
Bên cạnh hỗ trợ xây dựng nhà ở, sinh kế, nước sinh hoạt của đồng bào cũng được các cấp, ngành quan tâm đầu tư. 11 công trình giếng nước sinh hoạt được khoan ở khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, cung cấp nước sinh hoạt qua các công trình giếng khoan cộng đồng nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng đời sống người dân. Trên địa bàn phường Hưng Chiến có 2 giếng khoan cộng đồng tại nhà văn hóa Bình Ninh 1 và Đông Phất - nơi tập trung sinh sống của đồng bào S’tiêng. Vị trí đặt giếng khoan thuận lợi cho người dân đến lấy nước dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ông Điểu Sơn, Trưởng ấp Đông Phất cho biết: Giếng khoan cộng đồng tại địa bàn có thể phục vụ cho 50 gia đình, giúp đồng bào được đảm bảo nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt.
BẢO TỒN, PHÁT HUY NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN TỘC
Những năm qua, lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được thị xã quan tâm tổ chức; phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, thu hút sự quan tâm tham gia của đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần tích cực khôi phục, bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa, lễ hội, những môn thể thao truyền thống, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào.
Câu lạc bộ cồng chiêng xã Thanh Phú thành lập tháng 10-2023 nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người S’tiêng. Câu lạc bộ có 32 thành viên, đa phần là người S’tiêng ở ấp Sóc Bưng. Câu lạc bộ tổ chức luyện tập thường xuyên, người già hướng dẫn người trẻ cách đánh cồng chiêng, từng bước truyền thụ tinh hoa văn hóa dân tộc cho lớp trẻ kế thừa và phát triển. Già làng Điểu Bết, người có uy tín ở ấp Sóc Bưng, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ bày tỏ: Tôi rất tự hào khi gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tôi thường dạy con cháu mình tập đánh cồng chiêng và múa theo điệu nhạc.
Anh NhRi Lơ Mưn ở ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú chia sẻ: Khi học đánh cồng chiêng, mình rất vui vì được trải nghiệm, hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống dân tộc. Mình học để sau này tiếp nối truyền thống người S’tiêng.
CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC
Ở lĩnh vực giáo dục, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long là trường chuyên biệt thuộc hệ thống các trường phổ thông công lập của Nhà nước. Nhiệm vụ trọng tâm của trường là nuôi dạy con em đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã Bình Long, Chơn Thành và huyện Hớn Quản, làm cơ sở tạo nguồn cán bộ DTTS cho địa phương. Hằng năm, số học sinh DTTS học tập tại trường có từ 8-9 thành phần dân tộc như S’tiêng, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Thái, Tà Mun, Hoa... Hằng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt hơn 95%.
Buổi chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long
Sinh hoạt và học tập trong môi trường đa dân tộc, mỗi học sinh được sống với bản sắc dân tộc mình và tiếp xúc văn hóa các dân tộc khác. Em Điểu Thị Huyền Minh, học sinh lớp 7 cảm thấy thích thú khi học tập ở đây. Từ môi trường học tập đầy đủ đến các thầy cô mỗi ngày tận tâm truyền dạy kiến thức cho học sinh. “Thầy cô luôn quan tâm giúp đỡ, yêu thương chúng em từ những điều nhỏ nhất. Mỗi học sinh trong ngôi trường này đều rất quý trọng, gắn bó với “ngôi nhà chung”, yêu thương thầy cô giáo. Từ đó, chúng em ra sức học tập, rèn luyện” - em Minh bộc bạch.
Một tiết học Toán của các em học sinh lớp 9 Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long
Đến với ngôi trường này, thầy cô giáo và học sinh hòa đồng, chia sẻ cùng nhau, không có sự ngăn cách mà cùng học, cùng nỗ lực phấn đấu nâng cao thành tích học tập. Ngày 30-5-2024, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bình Long vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của trường, là sự ghi nhận của các cấp, ngành đối với những cố gắng, nỗ lực của tập thể thầy và trò nhà trường.