Đa dạng góc nhìn về nữ quyền, giới và pháp luật

Nhiều góc nhìn về nữ quyền, bình đẳng đã được các nhà khoa học tại Việt Nam và quốc tế đã bàn luận tại hội thảo 'Nữ quyền, giới và pháp luật 2024.

GS Rosemary Hunter (Đại học Kent, Vương quốc Anh tại hội thảo quốc tế “Nữ quyền, giới và pháp luật 2024" diễn ra ngày 27/9. (Ảnh: UEL)

GS Rosemary Hunter (Đại học Kent, Vương quốc Anh tại hội thảo quốc tế “Nữ quyền, giới và pháp luật 2024" diễn ra ngày 27/9. (Ảnh: UEL)

Ngày 27/9, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL) phối hợp cùng Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung (Đức) tổ chức hội thảo quốc tế “Nữ quyền, giới và pháp luật 2024" (ICFGL 2024).

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như Anh, Ý, Australia, Trung Quốc và Việt Nam, cùng trao đổi, thảo luận về những nghiên cứu và phát triển mới nhất trong lĩnh vực này, hướng tới mục tiêu nâng cao công bằng xã hội liên quan đến vấn đề giới.

PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng UEL cho rằng, trong thế giới ngày nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục và đời sống gia đình. Bình đẳng giới và quyền phụ nữ là những thước đo quan trọng của tiến bộ xã hội.

"Lý thuyết pháp lý nữ quyền giúp chúng ta hiểu vai trò của phụ nữ trong luật pháp và đặt câu hỏi liệu quan điểm của phụ nữ có được xem xét trong luật pháp và chính sách hay không. Từ đó, thúc đẩy sự cân bằng giữa các giới và góp phần vào công lý xã hội", theo PGS.TS Lê Vũ Nam.

 PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng UEL. (Ảnh: UEL)

PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng UEL. (Ảnh: UEL)

Ông Stefan Mentschel - Giám đốc khu vực của Rosa-Luxemburg-Stiftung tại Đông Nam Á cũng chia sẻ: Lý thuyết pháp lý nữ quyền bắt nguồn từ các phong trào nữ quyền vào những năm 1960 và 1970. Những người ủng hộ lý thuyết này cho rằng hệ thống pháp luật vẫn duy trì tính bất bình đẳng giới và đôi khi làm lu mờ quan điểm của phụ nữ.

"Để góp phần phản biện và góp thêm tiếng nói vào vấn đề giới, Quỹ Rosa đã hợp tác với UEL, thực hiện nhiều hoạt động. Hội thảo này là một nỗ lực như thế", ông nói.

Hội thảo ICFGL 2024 diễn ra cả ngày với một phiên toàn thể và 6 phiên thảo luận, xoay quanh các nội dung như: Cơ sở của lý luận pháp luật nữ quyền; Tác động của pháp luật đối với phụ nữ và bình đẳng giới; Lý luận pháp luật về nữ quyền và ứng dụng trong thực tế; Pháp luật hiệu quả nhằm đạt được bình đẳng giới và công bằng xã hội; Những thách thức và quan điểm đối với cải cách pháp luật về nữ quyền; Bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Chia sẻ trong phần tham luận, GS Rosemary Hunter (Đại học Kent, Vương quốc Anh) cho rằng, gần đây, ngày càng nhiều người theo chủ nghĩa nữ quyền trở thành nhà lập pháp, luật sư, thẩm phán và thành viên của các ủy ban quốc tế. Nhờ đó, họ có thể tham gia tích cực hơn trong việc soạn thảo luật.

Hiện các đạo luật và phán quyết tư pháp được truyền cảm hứng từ các chiến dịch và tư tưởng nữ quyền đã trở nên phổ biến hơn, được ghi nhận rộng rãi cả ở nhiều quốc gia và cả quốc tế.

 TS Trịnh Thục Hiền (Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật) trình bày tham luận. (Ảnh: UEL)

TS Trịnh Thục Hiền (Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật) trình bày tham luận. (Ảnh: UEL)

TS Trịnh Thục Hiền - Phó trưởng khoa Khoa Luật Kinh tế cho biết, quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, đã được thừa nhận trong các bộ luật phong kiến, nhưng điều này không thực sự nâng cao vị thế của họ trong xã hội. Thay vào đó, nó chủ yếu là công cụ để duy trì nền kinh tế trong hệ thống quyền lực chính trị phụ quyền.

Mặc dù, đã có những nỗ lực để đạt được sự đối xử bình đẳng như một tiêu chuẩn của bình đẳng giới, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn thiếu một khung lý thuyết để phân tích mối quan hệ phức tạp giữa pháp luật và giới tính.

Hội thảo quốc tế về "Nữ quyền, giới và pháp luật 2024" là hoạt động trọng tâm thuộc Dự án “Tích hợp lý thuyết pháp luật về nữ quyền vào giáo dục, nghiên cứu và thực hành pháp luật” do UEL và Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung phối hợp thực hiện. Hội thảo tổ chức lần đầu vào năm 2021 và duy trì tổ chức cách 2 năm 1 lần.

Ngoài các diễn giả chính như GS Rosemary Hunter - Đại học Kent, Vương quốc Anh; TS Emma Palmer - Đại học Griffith, Australia; PGS Puja Kapai - Đại học Hồng Kông, Hồng Kông;… hội thảo còn thu hút hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà hoạt động và nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước tham dự.

Trước đó, từ ngày 24 đến 26/9, trong khuôn khổ hội thảo, UEL và Quỹ Rosa đã thực hiện chuỗi bài giảng mở về nữ quyền, giới và pháp luật với nhiều chủ đề hữu ích: Vài góc nhìn cơ bản về giới, Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam, Cơ sở lý luận của tư tưởng nữ quyền Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX…

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-dang-goc-nhin-ve-nu-quyen-gioi-va-phap-luat-post702579.html