Đa dạng hình thức giáo dục truyền thống

Hòa chung không khí hào hùng những ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục học sinh lòng yêu nước, qua đó xác định ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5) tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Từ cội nguồn đất Tổ Hùng Vương đến TPHCM”

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5) tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Từ cội nguồn đất Tổ Hùng Vương đến TPHCM”

Hướng về giá trị truyền thống

Cuối tuần qua, hơn 2.000 học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5) đã hào hứng tham gia ngày hội trải nghiệm hướng nghiệp với chủ đề “Từ cội nguồn đất Tổ Hùng Vương đến TPHCM”. Tại đây, học sinh được tham gia nhiều trò chơi văn hóa dân gian như ném còn, vật tay, nhảy sạp; đồng thời tìm hiểu các phong tục lịch sử, văn hóa của dân tộc thông qua việc gói bánh chưng, viết chữ thư pháp.

Hồ Quốc Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Hùng Vương, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia nhảy sạp, gói bánh chưng. Mặc dù có chút bỡ ngỡ nhưng em rất vui vì hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Theo thầy Phan Quan Thông, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Hùng Vương, thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, các em được bồi đắp lòng yêu nước, biết trân quý và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trước đó, tại sân Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), những trang sử hào hùng của dân tộc đã được chính học sinh tái hiện thông qua các tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh. Nhiều học sinh cho biết, khi được khoác lên mình bộ áo dài quốc phục, tự tay chuẩn bị các mâm lễ vật để dâng lên bàn thờ tổ tiên, các em cảm thấy rất tự hào. Để đất nước độc lập như hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống. Vì vậy, thế hệ trẻ phải xác định trách nhiệm sống và học tập sao cho xứng đáng với công lao xây dựng và bảo vệ đất nước của các thế hệ đi trước.

Một cách làm khác, bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2022-2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) thay đổi tên gọi các dãy phòng học thành Vạn Xuân, Tây Sơn, Bạch Đằng, Diên Hồng - tên các địa danh, chiến tích lẫy lừng trong lịch sử xây dựng và gìn giữ đất nước, qua đó gửi gắm thông điệp hết sức ý nghĩa và nhân văn là dù sống trong bối cảnh đất nước thanh bình nhưng các thế hệ trẻ không được quên xương máu cha ông đã đổ xuống. Từ đó, các em biết trân trọng cuộc sống hiện tại, sống và học tập xứng đáng với trách nhiệm của thế hệ tương lai của đất nước.

Nhiều hình thức giáo dục học sinh

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, bày tỏ, lịch sử không chỉ là môn học yêu cầu học thuộc lòng kiến thức trong sách vở mà qua đó, học sinh được giáo dục lòng yêu nước, biết tự giác soi rọi chính mình để xác định thái độ sống và học tập phù hợp. Cùng quan điểm, thầy Dương Hoài Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cho biết, các hoạt động kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhằm giúp học sinh hiểu hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, giáo viên hướng dẫn học sinh gói bánh chưng cũng là một trong những hoạt động thường niên của trường vào mỗi dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngoài việc tổ chức hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, nhiều trường học cũng lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử thông qua các dự án học tập liên môn, hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường, sinh hoạt chuyên đề về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai cuốn chiếu ở các bậc học, hai bậc THPT và THCS có thêm môn Giáo dục địa phương. Đây là cơ hội cho học sinh tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hình thành, phát triển của TPHCM.

Riêng ở quận Tân Bình, từ đầu năm học 2022-2023, kiến thức lịch sử hình thành quận Tân Bình được lồng ghép trong chương trình môn Giáo dục địa phương và thí điểm triển khai ở Trường THCS Trần Văn Quang. Thời gian tới, chương trình sẽ sơ kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà tại tất cả trường THCS trên địa bàn quận. Việc lồng ghép kiến thức nhằm giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về các địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng cũng như vị trí địa lý, đặc điểm dân cư của địa phương nơi mình đang sống; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, tạo điều kiện cho học sinh hiểu được thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển kinh tế địa phương, từ đó xác định trách nhiệm sống phù hợp.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/da-dang-hinh-thuc-giao-duc-truyen-thong-post687908.html