Đa dạng hình thức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Mỗi danh lam, 'địa chỉ đỏ' về lịch sử, văn hóa đều gắn liền với truyền thống quý báu của đất và người. Đây là những minh chứng, tư liệu 'sống' để truyền thụ, bồi đắp thêm lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Phát huy truyền thống
Không chỉ chú trọng việc truyền dạy kiến thức lịch sử, nhân vật lịch sử thông qua sách giáo khoa, từ năm 2012 đến nay, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) triển khai hiệu quả mô hình Hành lang danh nhân, góp phần giúp học sinh (HS) hứng thú với môn Lịch sử. Theo đó, trường sưu tầm, trưng bày nhiều tranh danh nhân Việt Nam và thế giới tại hành lang của các phòng học. Hiện nay, Trường THPT Đức Hòa có gần 80 bức tranh danh nhân được treo dọc theo hành lang của trường.
“Mô hình giúp em hiểu và biết rõ hơn về những đóng góp lớn lao của những bậc tiền nhân với quê hương, đất nước. Đó cũng chính là lời nhắc nhở những người trẻ hôm nay phải sống, học tập tốt để xứng đáng với những thế hệ trước” - Lê Thúy Phương - HS lớp 11, Trường THPT Đức Hòa, chia sẻ.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) có mô hình tái hiện di tích lịch sử Nhà sàn Bác Hồ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bảng tóm tắt lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Thông qua các mô hình, giáo viên dễ dàng truyền tải đến HS những bài học lịch sử. Còn HS tiếp thu bài giảng và những kiến thức lịch sử được sinh động, dễ nhớ hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hồng Phúc, giáo dục truyền thống cho HS được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng linh động tổ chức những hội thi tái hiện câu chuyện, nhân vật lịch sử thông qua hình thức sân khấu hóa. Từ các tác phẩm, HS vừa thể hiện được năng khiếu biểu diễn, vừa dễ tiếp thu truyền thống cách mạng, lịch sử một cách sâu sắc và khơi lên lòng yêu nước, nỗ lực, phấn đấu, học tập trong HS để tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn - Lê Xuân Thịnh cho biết: “Các cấp bộ Đoàn luôn xác định công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử cho đoàn viên, thanh niên là một nhiệm vụ trọng tâm. Công tác này được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang tính giáo dục sâu sắc”.
Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12),... các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân, tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi người có công, gia đình chính sách. Mặt khác, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều lễ kết nạp Đoàn tại các “địa chỉ đỏ” lịch sử trong tỉnh.
Tìm hiểu thực tế tại “địa chỉ đỏ” lịch sử
Với truyền thống “Trung dũng kiên cường”, Long An có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ. Trong đó, phải kể đến Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh;
Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ; Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo; Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa,...
Những “địa chỉ đỏ” chính là những kho bảo tàng, tư liệu quý giá để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng và khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Bởi, không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đã “sinh cơ lập nghiệp”. Tình yêu đất nước của mỗi người chính là bắt nguồn từ tình yêu gia đình, quê hương, làng xóm.
Đến tham quan Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đoàn viên Nguyễn Văn Hưng đặc biệt ấn tượng với không gian trưng bày một tổ hợp gồm các hộp hình, bảng nội dung, hình ảnh giới thiệu 8 chuyên đề về những chiến công đặc trưng, những dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Long An. Hưng bày tỏ: “Qua những lời thuyết minh, tư liệu và hình ảnh tái hiện đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Long An. Đặc biệt, qua những gì được tìm hiểu tại đây, tôi hiểu lý do vì sao Long An được phong tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc””.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử còn được phổ biến, tuyên truyền thông qua các “nhân chứng sống” của lịch sử. Đó là những cựu chiến binh, cán bộ cách mạng lão thành từng tham gia chiến đấu. “Có lần về tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích lịch sử Cầu Kinh, em được nghe bác cựu chiến binh kể lại những trận chiến đấu với kẻ địch ở đây. Qua những câu chuyện đó, em rất cảm phục về sự anh dũng, hy sinh của quân và dân miền hạ” - đoàn viên Phạm Quang Tiến thổ lộ.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Từ những truyền thống cách mạng, lịch sử sẽ giúp những người trẻ biết trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, phát huy lòng yêu nước nồng nàn./.