Đa dạng hình thức kết nối tiêu thụ nông sản

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều hình thức, như: Tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến, trực tiếp kết nối tiêu thụ nông sản; đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT)... Nhờ đó, nhiều mặt hàng nông sản không những tiêu thụ hết mà còn kết nối thêm những thị trường mới tiềm năng.

Sơn La hiện có 78.800 ha cây ăn quả và cây sơn tra, trong đó 17.500 ha cây trồng đã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn; hơn 4.700 ha cây ăn quả các loại được cấp 181 mã số vùng trồng; 9 sản phẩm quả mang thương hiệu Sơn La được cấp văn bằng bảo hộ. Niên vụ 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn.

Sở Công Thương phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Sở Công Thương phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở đã theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động mua bán nông sản, như: Tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản tỉnh năm 2021; tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phối hợp với Công ty Miafruit xây dựng thương hiệu, truyền thông về mận Ruby Sơn La. Sản phẩm xoài, mận Sơn La đã được đưa lên sàn TMĐT Sendo, Voso, Tiki, Shopee, PostMart. Việc tiêu thụ nông sản được theo dõi cập nhật thông tin hàng ngày...

Đến ngày 28/7, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ được hết sản lượng xoài, thanh long, nhãn, mận hậu... Đặc biệt, năm nay sản phẩm long nhãn đã xuất khẩu sang nhiều nước như: Đức, Anh, Ba Lan, Hà Lan, Hàn Quốc.

Ban Chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản (BCĐ 598 tỉnh) đã xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết về việc tiêu thụ từng loại nông sản theo từng kịch bản, trong đó: Nếu tình trạng dịch được kiểm soát ổn định thì tiếp tục xuất khẩu nông sản, đưa vào chế biến và bán ở thị trường nội địa. Trường hợp tình hình dịch phức tạp thì đưa sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT và tập trung chế biến sâu. Trường hợp phải giãn cách xã hội sẽ tập trung đưa nông sản lên các sàn TMĐT và bảo quản bằng kho lạnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và các sản phẩm khác năm 2021 tạo động lực để doanh nghiệp, HTX thúc đẩy phát triển cơ sở chế biến long nhãn, xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản nên đã giải quyết nhanh đầu ra cho nhãn quả.

Thực hiện Kết luận của Thường trực tỉnh ủy về việc giao bí thư huyện ủy, thành ủy làm Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố, theo đó, các Tổ công tác được thành lập, phân công, nhiệm vụ rõ ràng. Các tổ công tác của bản, tiểu khu, tổ dân phố phụ trách các nhóm hộ của bản, tiểu khu có nhiệm vụ nắm rõ diện tích, sản lượng, mức tiêu thụ của từng gia đình, hộ nào có khó khăn thì báo cáo lên để tháo gỡ, không để hoa quả ứ đọng không tiêu thụ được. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin: Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản có diện tích, sản lượng lớn như: Xoài, nhãn, thanh long đã được hỗ trợ kết nối tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng nông sản đến thời vụ không tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn), cho biết: Vụ xoài năm nay, HTX có 60 ha, sản lượng trên 350 tấn đã xuất bán hết với giá trung bình 5.000 đồng/kg; nhãn 20 ha, sản lượng khoảng 200 tấn, đã tiêu thụ cho tư thương và xuất bán cho các lò làm long nhãn, với giá trung bình 7.000 đồng/kg, còn 20 ha bưởi, với sản lượng 150 tấn chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá bán hoa quả năm nay thấp hơn so với năm trước, đặc biệt là xoài, thu chỉ đủ tiền đầu tư, không có lãi nhưng cũng là mức giá chấp nhận được trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh khó khăn này.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp chế biến, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu 9 tháng năm 2021 ước đạt trên 102 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm có sản lượng lớn như xoài trên 14.300 tấn, nhãn trên 3.500 tấn, chuối trên 4.500 tấn... Đặc biệt, năm nay sản phẩm long nhãn đã xuất khẩu sang nhiều nước như: Đức, Anh, Ba Lan, Hà Lan, Hàn Quốc.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đã giải quyết được bài toán đầu ra cho nhiều sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất lưu thông, tạo lực để người dân tái sản xuất cho vụ sau và đảm bảo cung cầu, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/da-dang-hinh-thuc-ket-noi-tieu-thu-nong-san-43736