Đa dạng hình thức, tăng tính hấp dẫn
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng bản lĩnh, lý tưởng, hoàn thiện nhân cách quân nhân. Xác định rõ điều đó, nhiều năm qua, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã có những cách làm sáng tạo, đổi mới trong công tác giáo dục truyền thống cho bộ đội, trong đó các cơ quan, đơn vị luôn vận dụng đa dạng hình thức để tăng tính hấp dẫn cho bộ đội...
Chúng tôi về Sư đoàn 968 đúng vào dịp cả đơn vị đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Sư đoàn (28-6-1968 / 28-6-2023). Bên cạnh những hoạt động thi đua xung kích, lập công chào mừng Ngày thành lập, các cơ quan, đơn vị tăng cường giáo dục truyền thống cho bộ đội.
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi có dịp tham gia buổi giáo dục truyền thống cho các chiến sĩ của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19. Trong Phòng truyền thống Sư đoàn - nơi trưng bày nhiều tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, về Quân đội, Sư đoàn... các chiến sĩ đã được nghe giới thiệu về truyền thống của đơn vị. Từ bức ảnh Anh hùng LLVT nhân dân Cù Chính Lan, chiến sĩ Trung đoàn 9 (sau này thuộc Sư đoàn 968) trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đến chiến công của Sư đoàn trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Theo Đại tá Phạm Văn Sâm, Phó chính ủy Sư đoàn 968, để những bài giáo dục chính trị, truyền thống thêm sinh động, hấp dẫn, ngoài nội dung theo chương trình chung, Sư đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải tìm hiểu kỹ lịch sử, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, cựu chiến binh cung cấp, bổ sung vào bài giảng, khuyến khích sử dụng máy trình chiếu, có ví dụ minh họa thực tiễn sao cho bộ đội dễ hiểu, dễ vận dụng. Đơn vị còn tổ chức cho chiến sĩ tham quan nhà truyền thống, các di tích lịch sử, phòng Hồ Chí Minh... để tăng tính trực quan, hạn chế truyền thụ kiến thức một chiều.
Với phương châm giáo dục truyền thống phải sinh động, hấp dẫn, cơ quan chính trị đã tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 968 chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ tích cực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền đạt để bài giảng thêm thuyết phục, hấp dẫn. Nhờ đó, nhiều cán bộ đã có ý tưởng, cách làm mới mẻ, qua đó giúp chiến sĩ dễ tiếp thu, nâng cao hiệu quả bồi đắp lý tưởng.
Ở Tiểu đoàn 5, đội ngũ cán bộ chính trị rất tích cực tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa của các nhân vật, sự kiện lịch sử để biên tập thành bộ đáp án và sáng kiến ra trò chơi "Thử tài chiến sĩ". Trò chơi này không chỉ phục vụ bộ đội thư giãn, giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, giờ giải lao trên thao trường mà qua các nhân vật lịch sử, các ca khúc cách mạng... giúp bộ đội hiểu sâu hơn về truyền thống quê hương, đất nước, đơn vị. Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống nhẹ nhàng nhưng hiệu quả khá cao.
Binh nhì Lê Quang Huy, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 tâm sự: "Với phương pháp truyền đạt sinh động, trực quan, không gò bó thông qua trò chơi, câu thơ, văn vần và các ca khúc cách mạng, chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc; từ đó mỗi chiến sĩ nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, quyết tâm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".