Đa dạng hình thức tuyên truyền chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chính sách DSKHHGĐ, những năm gần đây Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh để xây dựng hoạt động truyền thông phù hợp đến từng nhóm đối tượng với nhiều nội dung phong phú như: Khám sức khỏe trước khi kết hôn, hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh, giáo dục giới tính vị thành niên và thanh niên, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi… Việc đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về công tác DSKHHGĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nhiều người về công tác dân số.

 Truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gái vùng cao - Ảnh: M.L

Truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gái vùng cao - Ảnh: M.L

Bà Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, đến nay Hội LHPN các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 55 câu lạc bộ (CLB) dân số và phát triển với 1.823 thành viên là hội viên phụ nữ; 78 CLB gia đình hạnh phúc có 1.983 nữ và 1.673 nam giới tham gia, 17 CLB về phòng, chống bạo lực gia đình với 560 thành viên, 18 CLB không sinh con thứ 3 với 1.329 thành viên, 52 CLB phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em với 1.733 thành viên, 17 CLB bà mẹ/ông bố và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục với 804 thành viên. Những CLB này đã trở thành địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ hay các cặp vợ chồng chia sẻ những buồn, vui trong đời sống hôn nhân, gia đình và thực hiện các cam kết về KHHGĐ, nuôi dạy con tốt, chăm sóc sức khỏe...

Bên cạnh mô hình CLB, Hội LHPN và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền thông nói chuyện chuyên đề về “Kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản”, “Phụ nữ với hạnh phúc gia đình”, “Vai trò của gia đình trong việc phòng, chống nạn xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” hoặc hướng dẫn cho các bà mẹ mang thai khám thai định kỳ; vận động 100% chị em đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và uống vitamin A theo sự hướng dẫn của trạm y tế…

Huyện Hải Lăng là một trong những địa bàn dẫn đầu trong toàn tỉnh về công tác phối hợp truyền thông các nội dung DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Hiện trên địa bàn huyện có 20 CLB tiền hôn nhân hoạt động rất hiệu quả. Theo ông Lê Đức Thản, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng, đối tượng tham gia CLB này chủ yếu từ 16- 30 tuổi. Thời gian đầu sinh hoạt nhiều thành viên còn rụt rè, e ngại trong việc chia sẻ và tiếp nhận thông tin nhưng với sự nhiệt tình của Ban chủ nhiệm, dần dần các em thoải mái, năng động hơn. Qua 6 năm duy trì hoạt động, thành viên các CLB tiền hôn nhân trên địa bàn huyện đã tự tin chia sẻ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính với bạn bè đồng trang lứa; mạnh dạn đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, những kỹ năng đầu đời và khả năng xử lý tình huống…

Từ đó, giúp các em hiểu rõ hơn những biến đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì, biết cách ứng xử và lựa chọn hành động phù hợp trước những tình huống thường gặp về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, góp phần hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm tỉ lệ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, để các CLB tiền hôn nhân hoạt động hiệu quả, vào ngày Dân số Thế giới 11/7 hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đều có tổ chức gặp mặt các CLB, tạo sân chơi cho đoàn viên, thanh niên các địa phương trên địa bàn huyện giao lưu học hỏi, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sống.

 Truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hội viên phụ nữ - Ảnh: M.L

Truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hội viên phụ nữ - Ảnh: M.L

Xác định việc trang bị kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho đối tượng thanh niên, vị thành niên là vấn đề cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, những năm qua các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều giải pháp đổi mới nội dung tuyên truyền, đó là tích cực phối hợp các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên thông qua các hình thức như: Hội thi tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, HIV/AIDS, diễn đàn, tập huấn, talkshow, cuộc thi vẽ tranh hay các hoạt động văn hóa-văn nghệ lồng ghép kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính… phù hợp với lứa tuổi thanh niên, vị thành niên, tạo các sân chơi lành mạnh về giáo dục giới tính, rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp cũng như kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.

 Hướng dẫn xây dựng quy ước thôn không có tảo hôn - Ảnh: M.L

Hướng dẫn xây dựng quy ước thôn không có tảo hôn - Ảnh: M.L

Bên cạnh duy trì, phát triển các mô hình tuyên truyền DS-KHHGĐ với các đoàn thể, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng tăng cường hoạt động kết hợp truyền thông với các sở, ngành, địa phương. Điển hình như phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn đưa nội dung “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” vào chương trình giảng dạy hệ trung cấp chính trị-hành chính và các lớp bồi dưỡng khác.

Theo đó, giai đoạn 2014-2020, Trường Chính trị Lê Duẩn đã thực hiện được 13 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và bồi dưỡng ngạch chuyên viên với 981 lượt học viên tham gia nhằm cung cấp kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh, giúp học viên ở vị trí công tác của mình vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa thông qua đó tuyên truyền đến người dân về tác hại khi thực hiện hành vi lựa chọn giới tính khi sinh để hành động đúng với lương tâm và trách nhiệm xã hội.

Phối hợp Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch…hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong đó có nội dung quan trọng là đưa các quy định của pháp luật về dân số, gia đình và trẻ em, nếp sống văn hóa các gia đình vào hương ước, quy ước ở thôn để vận động Nhân dân tự giác thực hiện.

Việc làm này đã huy động vai trò, sức mạnh của cộng đồng dân cư đối với công tác dân số; tăng cường hoạt động tư vấn đến các nhóm đối tượng như ưu tiên, trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo để nhân rộng các điển hình tốt. Qua đó, góp phần tuyên truyền chính sách, pháp luật dân số tới từng thôn, bản, cụm dân cư một cách hiệu quả, thiết thực.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163512&title=da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-chinh-sach-dan-so--ke-hoach-hoa-gia-dinh-trong-tinh-hinh-moi