Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông. Do đó, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ phù hợp với từng đối tượng, góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn trong các tầng lớp nhân dân.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành.
Để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tiếp cận quy định pháp luật mới và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, Đoàn Thanh niên Công an huyện Yên Lạc phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông ra mắt 2 công trình thanh niên tuyên truyền trực quan sinh động về Nghị định 168. Đó là mô hình “Loa truyền thanh tuyên truyền TTATGT” và mô hình “Gắn biển tuyên truyền xử phạt vi phạm giao thông”.
![Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Lạc tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Dương Hà](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_589_51445429/a626d61de2530b0d5242.jpg)
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Lạc tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Dương Hà
Với mô hình “Gắn biển tuyên truyền xử phạt vi phạm giao thông”, hình ảnh được thể hiện trực quan, ngắn gọn, nội dung cụ thể và được Đoàn Thanh niên Công an huyện Yên Lạc gắn tại hầu hết khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, cột đèn giao thông trên địa bàn. Người tham gia giao thông khi dừng đèn đỏ dễ dàng nắm được thông tin quy định xử phạt mới và tự giác chấp hành nghiêm.
Anh Bùi Ngọc Long (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc) chia sẻ: “Lưu thông trên các tuyến đường trên địa bàn xã, tôi nhìn thấy nhiều biển tuyên truyền trực quan về Nghị định 168 của lực lượng chức năng. Đây là mô hình thiết thực để người dân nắm được các quy định mới của pháp luật.
Với mức xử phạt cao như hiện nay, người dân khi tham gia giao thông sẽ chấp hành nghiêm quy định về đèn tín hiệu, nồng độ cồn và các quy định khác; nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình loa truyền thanh tuyên truyền văn bản, quy phạm pháp luật mới về TTATGT tại các khu dân cư. Với mô hình “Tiết chào cờ với an toàn giao thông”, định kỳ, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh, công an các huyện, thành phố phối hợp với các nhà trường tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT.
Qua đó giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn; thông tin các điều kiện được phép điều khiển phương tiện giao thông với từng độ tuổi...
Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh và Đội Cảnh sát giao thông công an các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật trực tiếp về an toàn giao thông đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tại các buổi tuyên truyền, lực lượng chức năng đã thông báo tình hình TTATGT, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Nhấn mạnh các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Lực lượng công an các cấp thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động những điểm mới của Luật TTATGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Với những nội dung được truyền đạt đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa đến người thân, bạn bè chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn…
Để Nghị định 168 của Chính phủ đi vào cuộc sống, Ban An toàn giao thông tỉnh và các huyện, thành phố phối hợp với công an địa phương chủ động xây dựng nhiều bảng, biển, pa nô tuyên truyền tại những điểm công cộng, nơi tập trung đông người, địa điểm dễ quan sát… Ngành Giáo dục tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT vào chương trình giảng dạy trong các bậc học…