Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng ngừa tệ nạn ma túy học đường

Theo số liệu thống kê, rà soát của Sở GD&ĐT, tại thời điểm tháng 11/2019, toàn ngành Giáo dục tỉnh không có trường hợp nào vi phạm về tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa vẫn luôn được ngành GD&ĐT triển khai thực hiện.

Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) phối hợp với Tỉnh Đoàn và Thành Đoàn tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về tội phạm ma túy cho học sinh.

Trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) phối hợp với Tỉnh Đoàn và Thành Đoàn tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về tội phạm ma túy cho học sinh.

Tại trường THCS Định Cư (Lạc Sơn), thầy và trò nhà trường vừa hào hứng tham gia hoạt động ngoại khóa với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, ma túy học đường”. Trong đó, riêng nội dung phòng, chống ma túy học đường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự. Bằng hình thức tuyên truyền trực quan sinh động thông qua ảnh chụp, tranh vẽ, các đồng chí Công an huyện Lạc Sơn đã giới thiệu, giảng giải kỹ cho thầy trò nhà trường về cách thức nhận biết ma túy, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Nhấn mạnh việc sử dụng ma túy đá gây ảo giác khiến người sử dụng không kiểm soát được hành vi sẽ khóc, cười điên loạn, trèo lên cột điện, chém giết người xung quanh, tự hủy hoại bản thân…

Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nhằm tăng cường công tác phòng, chống tội phạm về tệ nạn ma túy, ngành chỉ đạo các đơn vị, nhà trường nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/ 2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 26/5/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với việc nhân rộng mô hình "Nhà trường an toàn không ma túy” trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên (HSSV) về hiểm họa của ma túy đối với con người và xã hội. Lấy tuyên truyền, giáo dục, chủ động phòng ngừa, cảm hóa đối tượng là giải pháp căn bản. Kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục phòng, chống ma túy với các nội dung giáo dục, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và tai - tệ nạn xã hội. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả hoạt động nhân "Tháng hành động phòng, chống ma túy” và "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”.

Ngành cũng sẽ quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục phòng, chống ma túy trong chương trình chính khóa ở các cấp học, bậc học. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật phòng, chống ma túy; các hoạt động thể dục - thể thao. Tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về tác hại của ma túy với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo như: hát, nhạc, tiểu phẩm, vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống ma túy, thu hút sự tham gia đông đảo của HSSV. Các đơn vị, trường học hàng năm phải phấn đấu đạt tiêu chuẩn không có ma túy. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tấm gương đạo đức của cán bộ, nhà giáo; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của HSSV trong công tác phòng, chống ma túy trong các nhà trường và cộng đồng.

Đặc biệt, các đơn vị, trường học tổ chức cho cán bộ, giáo viên, HSSV, học viên của đơn vị ký cam kết không trồng cây có chất ma túy, không tiếp tay, không tàng trữ, buôn bán, sử dụng ma túy. Phát động phong trào tố giác, vận động tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép trong HSSV, học viên; từng trường tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của nhà trường. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ trong HSSV, học viên; kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với HSSV, học viên nhằm rà soát, phát hiện kịp thời HSSV, học viên sử dụng chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/136166/da-dang-hinh-thuc-tuyen-truyen-phong-ngua-te-nan-ma-tuy-hoc-duong.htm