Đa dạng hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn

Thời gian gần đây, huyện Cao Lãnh triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy khóa XI về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo sát với điều kiện thực tế địa phương. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, khuynh hướng sáng tác văn học, nghệ thuật cho các nghệ sĩ, trí thức, người làm công tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn. Đặc biệt, định kỳ hàng năm, huyện Cao Lãnh đều tổ chức cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút đông đảo nghệ sĩ, trí thức, người làm công tác văn học, nghệ thuật trong và ngoài địa phương tham gia.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đờn ca tài tử, cải lương tại huyện Cao Lãnh (Ảnh: CTV)

Tiến sĩ Lê Hồng Phước - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chia sẻ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đờn ca tài tử, cải lương tại huyện Cao Lãnh (Ảnh: CTV)

Ngoài ra, huyện Cao Lãnh còn phối hợp với ngành chức năng tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương”, “Lịch sử hình thành vùng đất và con người Cao Lãnh”, duy trì tổ chức sinh hoạt giao lưu 78 Câu lạc bộ đờn ca tài tử... Riêng năm 2022, huyện Cao Lãnh phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh đăng cai tổ chức Hội trại sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, có hơn 40 văn, nghệ sĩ tỉnh, huyện và các ngành liên quan tham gia sáng tác hàng trăm tác phẩm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng được chọn khen thưởng.

Có thể nói, thời gian qua, lĩnh vực văn học, nghệ thuật tại huyện Cao Lãnh có nhiều phát triển; lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật không ngừng được bổ sung, gia tăng về số lượng và chất lượng. Bộ máy quản lý văn học, nghệ thuật thường xuyên được kiện toàn, tăng cường tổ chức các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật phục vụ người dân ngày càng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, văn học, nghệ thuật đã góp phần vun đắp và bồi dưỡng thẩm mỹ, đời sống tinh thần cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng văn hóa và con người Cao Lãnh.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Cao Lãnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động văn học, nghệ thuật gắn với xây dựng phát triển văn hóa và con người Cao Lãnh; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử và Văn học - Nghệ thuật huyện, lực lượng văn nghệ sĩ. Đồng thời xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những biểu hiện lệch lạc, vấn đề phát sinh trong các hoạt động văn học, nghệ thuật. Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Địa phương đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhìn chung, văn học, nghệ thuật và xây dựng văn hóa con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc phát triển văn học, nghệ thuật vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy khóa XI về xây dựng văn hóa và con người Cao Lãnh nghĩa tình, năng động, sáng tạo nói riêng và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo nói chung.

NGỌC TÂM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/da-dang-hoa-cac-hoat-dong-van-hoc-nghe-thuat-tren-dia-ban-115861.aspx