Đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật cho giới trẻ
Mạng xã hội là môi trường rộng lớn, có tác động nhanh và rộng, nhất là với thanh, thiếu niên. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội ở nước ta những năm gần đây mang đến cả cơ hội và đặt ra nhiều thách thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến giới trẻ.
Mạng xã hội là môi trường rộng lớn, có tác động nhanh và rộng, nhất là với thanh, thiếu niên. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội ở nước ta những năm gần đây mang đến cả cơ hội và đặt ra nhiều thách thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến giới trẻ.
Theo thống kê của tổ chức We Are Social (WAS), tính đến đầu năm 2019, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng in-tơ-nét, trong đó có tới 62 triệu người có sử dụng mạng xã hội (MXH). Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu thanh niên (thuộc T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho biết: Tỷ lệ thanh niên phụ thuộc vào thiết bị có kết nối in-tơ-nét đang ngày càng tăng nhanh. Các cách thức giao tiếp thông dụng, trực tiếp đang dần bị thay thế bằng điện thoại, MXH. Nắm bắt xu hướng này, những năm gần đây, đoàn thanh niên các cấp bắt đầu chú trọng hơn đến công tác PBGDPL thông qua MXH.
Cụ thể, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 66 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, cùng hơn 1.400 đơn vị cấp huyện, hơn 11 nghìn đơn vị cấp xã, phường đã triển khai xây dựng, vận hành trang MXH Facebook. Trên hệ thống trang MXH này, các cán bộ đoàn thanh niên triển khai nhiều công cụ, phương thức thu hút đoàn viên, thanh niên tìm hiểu pháp luật mới mẻ như: ứng dụng di động, phần mềm thi trực tuyến, công cụ khảo sát trực tuyến, các chương trình máy tính tương tác tự động... Giữ vai trò tiên phong trong hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên là các Thành đoàn: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng; các Tỉnh đoàn Đác Lắc, Bình Dương, Đồng Nai... Trong đó, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh hiện triển khai rất hiệu quả trang Facebook “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh với pháp luật”.
Với phương pháp tuyên truyền hiện đại, trẻ trung, chuyên nghiệp, trang “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh với pháp luật” hiện có hơn 7.100 lượt yêu thích, hơn 7.200 lượt theo dõi. Truy cập vào trang Facebook nêu trên, dễ dàng nhận thấy các nội dung tuyên truyền được cập nhật hằng ngày, lồng ghép nhiều thông tin tuyên truyền, PBGDPL với hình ảnh minh họa dễ hiểu, hấp dẫn, phù hợp giới trẻ. Đoàn viên, thanh niên truy cập trang “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh với pháp luật” còn có thể tiếp cận nhiều thông tin liên quan việc làm, các cuộc thi trực tuyến thú vị. Các quản trị viên luôn khéo léo đăng tải bài viết vào thời điểm lưu lượng truy cập Facebook cao, nhờ đó, số lượng đoàn viên, thanh niên theo dõi, tương tác luôn tăng, thậm chí có những bài viết được chia sẻ tới hàng nghìn lần.
Dù các trang MXH nêu trên mới hoạt động, nhưng đã có một lượng đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm, theo dõi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trang MXH vẫn chưa có định hướng thường xuyên, kịp thời về nội dung, hoặc nội dung tuyên truyền PBGDPL chưa chính xác, thiếu sự tham gia thẩm định, góp ý từ các chuyên gia; thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát để phát huy tối đa vai trò, thế mạnh cũng như chất lượng, tính khách quan... Cá biệt có trang còn thiếu đa dạng, chủ yếu tập trung giới thiệu văn bản, quy định một cách đơn điệu. Nguyên nhân do phần lớn quản trị viên là cán bộ kiêm nhiệm, chưa chú tâm “đầu tư, chăm sóc”, nâng cao chất lượng trang; thiếu sáng tạo, chưa nhạy bén trong huy động cộng tác viên, chuyên gia pháp luật tham gia tổ chức nội dung.
Gần đây, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư pháp đã ký chương trình phối hợp về việc thành lập trang MXH “Tuổi trẻ Việt Nam sống và làm việc theo pháp luật” trên nền tảng Facebook. Đây là cơ hội để các cấp bộ đoàn, hội cụ thể hóa Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26-4 vừa qua. Đồng thời, nắm bắt tư tưởng, thái độ của thanh, thiếu niên cả nước đối với việc tuân thủ pháp luật, định hướng cho các bạn trẻ cách hành xử đúng luật pháp Việt Nam.
Để trang MXH nêu trên hoạt động hiệu quả thật sự là phương tiện, kênh thông tin chính thống tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến thanh, thiếu niên, các đơn vị chủ quản cần chú trọng đến chất lượng cán bộ - quản trị viên của trang. Cụ thể, bên cạnh các yêu cầu về tư tưởng, phẩm chất chính trị, lối sống gương mẫu, lành mạnh, các quản trị viên cần được phân cấp theo trình độ kiến thức về pháp luật, khả năng sáng tạo trong tương tác, định hướng, thu hút thanh niên. Cần xây dựng hệ thống cộng tác viên là chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực pháp luật; kết nối, tương tác mạnh mẽ trang MXH “Tuổi trẻ Việt Nam sống và làm việc theo pháp luật” với các trang MXH khác mà giới trẻ quan tâm... Với nhận thức, sự tham gia, vào cuộc tích cực của các cơ sở đoàn, hội, hy vọng đây sẽ là bước tiến mới trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên không gian mạng ở nước ta.