Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp, các cấp, ngành trong hàng chục năm qua. Đặc biệt, hưởng ứng đợt phát động cao điểm 450 ngày thực hiện phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực để cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2004 - 2021, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ của xã hội, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật,...); xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng. Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo, người có công đã được cải thiện.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, lãnh đạo tỉnh đã sớm có chủ trương và chỉ đạo xây dựng đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026” (Đề án 197). Theo đó, sẽ có 3.672 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới được 1.830 nhà, trong đó vùng đồng bằng 370 nhà, vùng miền núi 1.460 nhà với tổng kinh phí hơn 95,1 tỉ đồng.
Thực hiện Quyết định số 90/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 90), Thông tư số 01/2022/ TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng, ngày 14/11/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2921/QĐ-UBND ban hành đề án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo tỉnh Quảng Trị”; sau đó đề án này được điều chỉnh theo Quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 18/8/2023, với 1.595 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ nhà ở. Đến nay, đã có 1.267 hộ được hỗ trợ nhà ở, trong đó xây mới 1.021 nhà, sửa chữa 246 nhà với tổng kinh phí trung ương cấp hơn 45,7 tỉ đồng.
Đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 1719/QĐTTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1719), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, với 1.643 hộ nghèo DTTS cần hỗ trợ nhà ở. Tỉnh đã triển khai hỗ trợ 1.457 nhà với tổng kinh phí trung ương cấp hơn 58,2 tỉ đồng. Đồng thời, thông qua Quỹ đền ơn đáp nghĩa, từ năm 2021 đến nay, Quảng Trị đã hỗ trợ xây mới 677 căn nhà và sửa chữa 172 căn nhà cho người có công với cách mạng, với tổng kinh phí 59 tỉ đồng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình thực hiện hỗ trợ xóa nhà ở cho hộ nghèo gặp không ít khó khăn, lúng túng. Chương trình hỗ trợ về nhà ở thuộc các chương trình MTQG không thống nhất với nhau. Đơn cử như Dự án 5 của Quyết định 90 hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà và thuộc vốn sự nghiệp. Dự án 1 của Quyết định 1719 hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở mức 40 triệu đồng, hỗ trợ về đất ở 40 triệu đồng thuộc vốn đầu tư phát triển, vay vốn ưu đãi tối đa 40 triệu đồng.
Sự thiếu thống nhất này đã nảy sinh tâm lý lựa chọn chương trình để đăng ký tham gia cũng như so sánh chế độ hỗ trợ của đối tượng thụ hưởng. Tỉ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương thấp (30,3% so với chi phí bình quân/nhà 30 - 35 m2 ), trong khi nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hạn chế và hộ nghèo không có khả năng đối ứng nên một số hộ gia đình không có khả năng huy động nguồn đã xin rút khỏi đề án. Các đối tượng thụ hưởng đa số đều là đồng bào DTTS nên quá trình làm hồ sơ thủ tục thanh toán với đơn vị tài chính còn nhiều khó khăn...
Ngày 5/10/2024, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ngày 6/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với mục tiêu đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp, tổ chức huy động tối đa nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.
Theo đó, cách thức triển khai phù hợp là cần kế thừa Đề án 197 xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2026 để bổ sung, hoàn thiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác đang khó khăn về nhà ở. Trong đề án phải quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện, đối tượng hỗ trợ... làm cơ sở để tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo công bằng đối với các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở đã thực hiện, thống nhất mức hỗ trợ xây dựng mới nhà ở đối với người có công là 100 triệu đồng/hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng miền núi, DTTS mức 70 triệu đồng/hộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bằng mức 60 triệu đồng/hộ. Trong đó ưu tiên tập trung hỗ trợ để hoàn thành dứt điểm xóa nhà tạm bợ, dột nát cho các hộ gia đình có trong danh sách thuộc Đề án 197, hộ gia đình chính sách và nhà ở cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng từ các chương trình MTQG.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” và cuộc vận động Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 - 2025 theo Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 11/10/2024 của UBND tỉnh. Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn, nhân ái của việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.
Từ đó khơi dậy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội để kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng thực hiện chương trình với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.