Đa dạng hóa sinh kế cho hội viên

Theo đồng chí Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành, hiện nay, tỷ lệ hội viên tham gia vào tổ chức hội trên địa bàn huyện đạt thấp nhất là 53%. Cụ thể, xã Hồ Đắc Kiện đạt 88%, xã Phú Tâm đạt 68%, xã Phú Tân đạt 57,7%, xã An Ninh đạt 73,9%, xã An Hiệp đạt 60,4%, xã Thiện Mỹ đạt 78,6%, xã Thuận Hòa đạt 53,6%, thị trấn Châu Thành đạt hơn 60%. Để củng cố tổ chức hội và nâng cao tỷ lệ hội viên, Hội LHPN huyện Châu Thành thường xuyên nắm bắt tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động, tham gia giải quyết và đề xuất các chính sách phù hợp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ để có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, vận động chị em phụ nữ tham gia học nghề để giải quyết việc làm, tạo thu nhập.

Tận dụng lợi thế địa phương, nhiều chị em phát triển mô hình nuôi bò mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: N.D

Điển hình như chị Thạch Thị Sà Vượl, ở ấp Kinh Đào, xã Hồ Đắc Kiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình hiệu quả. Từ một hộ nghèo, trồng màu thu nhập bấp bênh, chị đã mạnh dạn vay vốn, áp dụng mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Chị Sà Vượl chia sẻ: “Trước đây, gia đình chủ yếu tận dụng đất xung quanh nhà trồng màu, thời gian rảnh thì hai vợ chồng đi làm thuê. Hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng trở nên thiếu thốn. Năm 2013, gia đình được địa phương xét cho vay 7 triệu đồng không lãi suất và hỗ trợ 8 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò sinh sản, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi. Quá trình chăn nuôi, tích lũy, đến nay gia đình tôi có gần 20 con bò, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”.

Mô hình mua bán nhỏ là một trong những cách thoát nghèo hiệu quả của phụ nữ xã An Hiệp. Ảnh: N.D

Chị Lý Thị Út, ấp Bưng Tróp A (xã An Hiệp) trước đây từng vay 10 triệu đồng để nuôi bò. Sau gần 4 năm tích cực chăn nuôi, gia đình chị đã dư được 2 con bò và 1 chiếc xe máy, tiền vay cũng đã trả xong. Chị Trang Thị Ngọc Yến, ấp Giồng Chùa A (xã An Hiệp) cũng vui mừng không kém khi kể về việc được hỗ trợ vốn buôn bán. Được vay 8 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư cho xe bán nước mía 7,5 triệu đồng và gởi gắm vào đó nhiều hy vọng. Chị Ngọc Yến kể: "Gia đình tôi sống ở gần chợ của xã và trường học nên muốn buôn bán nhưng thiếu vốn. Định vay tiền ở ngoài lại sợ "lãi mẹ đẻ lãi con" thì trả đến bao giờ mới xong. Được chị Chi hội trưởng Phụ nữ ấp hướng dẫn đăng ký vào hội để được vay vốn tiết kiệm không tính lãi, tôi mừng như "cá gặp nước". Mấy năm nay trông cậy vào xe nước mía, một ngày bán trung bình khoảng 200.000 đồng, trừ chi phí thì cũng đủ sống. Tôi còn buôn bán thêm vài thứ khác, cũng may là có khách mua thường xuyên nên có đồng ra, đồng vào, bớt lo chuyện cơm áo".

Chị Lý Thị Ngọc Hương - hội viên Hội LHPN xã Phú Tân (Châu Thành) khởi nghiệp bằng vườn ươm cây giống. Ảnh: N.D

Hay như chị Lý Thị Ngọc Hương - hội viên Hội LHPN xã Phú Tân, từng phải rời quê lên tỉnh Bình Dương làm phụ hồ, nhờ tiết kiệm, chịu khó và siêng năng lao động nên sau 2 năm, chị cũng đã tích lũy một số vốn để về quê làm ăn. Chị tham gia Hội LHPN xã và bắt đầu học hỏi kinh nghiệm để mua bán nhỏ, đầu tiên là mua, bán khô cá lóc và cây giống. Đặc biệt, chị là người tiên phong ươm và bán giống cây hồng nhung, một loại cây vị ngon, màu sắc đẹp không phải ở đâu cũng có. Hiện nay, cuộc sống gia đình chị vươn lên khấm khá, chị không ngần ngại truyền nghề cho chị em hội viên và thành lập tổ “Ươm giống cây hồng nhung” để giúp hội viên tăng thêm thu nhập.

Đồng chí Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Hội chỉ đạo các cơ sở thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ nhằm đa dạng hóa các hình thức tập hợp chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức hội. Việc tham gia các tổ, nhóm không chỉ giúp cho chị em tham gia sinh hoạt thường xuyên, tạo sự gắn bó với nhau mà còn tạo điều kiện để các hội viên có thêm các kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cấp hội duy trì hoạt động của 32 tổ phụ nữ, gồm 508 thành viên với các mô hình chăn nuôi bò, nuôi cá lóc vèo, trồng chanh không hạt, may mặc, đan đát, se nhang, mua bán nhỏ… Hội còn phối hợp với các ngành khai thác nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện nhằm hỗ trợ vốn vay cho các chị em, hạn chế tình trạng phụ nữ thiếu việc làm phải bỏ địa phương đi làm ăn xa.

N.D

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/da-dang-hoa-sinh-ke-cho-hoi-vien-41712.html