Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, hộ nghèo trên địa bàn xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và địa phương. Qua đó, giúp đời sống vật chất, tinh thần của hộ dân trên địa bàn xã không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Tại ấp Xà Lan, xã An Ninh, gia đình chị Lý Thị Sệnh có đất sản xuất nhưng lại thiếu vốn đầu tư. Do đó, khi nhận được nguồn vốn từ tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm nên chị Sệnh đã cải tạo đất, trồng các loại rau màu, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện. Từ 1,5 công đất trồng rau ngò gai đã mang về thu nhập cho gia đình khoảng 250.000 đồng/ngày.

Anh La Ngô Hoàng, ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Anh La Ngô Hoàng, ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Còn gia đình anh La Ngô Hoàng ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Được biết, hoàn cảnh gia đình anh trước kia cũng khó khăn, trở ngại nhất với gia đình lúc đó là không có vốn và chưa tìm được hướng sản xuất phù hợp. Năm 2020, anh và nhiều hộ nông dân khác trong xã, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Anh dùng số tiền này cùng với tiền tích góp của gia đình mua được 2 con bò sinh sản, sau đó anh tích lũy tiền mua thêm bò sữa. Đến đầu năm 2024, anh được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để cải tạo chuồng nuôi bò. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh cùng với kinh nghiệm của bản thân nên đàn bò anh nuôi phát triển rất tốt. Tính đến nay, đàn bò của anh đã nâng lên được 10 con.

Còn gia đình chị Lâm Thị Hồng là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Xà Lan cũng có nhiều năm trồng rau màu các loại. Gia đình chị có gần 5 công đất chủ yếu trồng rau màu, nhưng hiệu quả không cao. Đến tháng 7/2024, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ áp dụng “Mô hình hệ thống tưới phun trên rau màu”, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế trong nhiều năm qua, rào cản lớn nhất đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình là vốn đầu tư và khoa học kỹ thuật. Nhưng rào cản này đã được nhiều địa phương tháo gỡ thông qua việc huy động các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng vào cuộc bằng cách trao cho họ “chiếc cần câu” như: hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chia sẻ kinh nghiệm… đã giúp nhiều hộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Hầu hết những hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế, chủ yếu là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ đã dần ổn định cuộc sống. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã An Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm.

Đầu năm 2024, toàn xã có 186 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hiện nay số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 129 hộ. Cụ thể, trong tháng 10/2024, đã giải ngân cho 3 hộ thụ hưởng nước sinh hoạt phân tán và chuyển đổi nghề cho 2 hộ. Tính đến nay đã giải ngân cho 19 hộ thụ hưởng (13 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo) của Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế với số vốn 358 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Dự án 1 về nhà ở, xã có 4 hộ được trao nhà, trị giá 44 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, địa phương còn tạo điều kiện cho 92 hộ được vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền đã giải ngân hơn 4,4 tỷ đồng…

Thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là người dân đã biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, giúp cho các hộ nghèo thực hiện dự án nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ chuyển đổi mô hình hiệu quả, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Nhờ chuyển đổi mô hình hiệu quả, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Theo đồng chí Lâm Huông - Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh:

Để công tác chăm lo cho người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế được tốt hơn, đặc biệt là việc thoát nghèo là trách nhiệm thực hiện xuyên suốt. Đối với chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên môn duy trì và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững, giúp hộ nghèo có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế là một trong những động lực lớn giúp họ thoát nghèo nhanh chóng.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giảm nghèo thời gian tới, chính quyền xã còn đề ra một số giải pháp như, phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội xã thực hiện tốt công tác vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo nêu cao ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực lao động sản xuất, biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển để thoát nghèo và có cuộc sống được tốt hơn. Đồng thời, phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phát huy hơn nữa vai trò trong việc vận động các nguồn lực xã hội, cùng các mạnh thường quân giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực và ý nghĩa để họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo của xã An Ninh thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ với đa dạng sinh kế để giảm nghèo đã mang lại những kết quả khả quan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

HUỲNH NHƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/202412/da-dang-hoa-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-473256b/