Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, đa chiều ở Quỳ Hợp

Công tác xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo ở Quỳ Hợp (Nghệ An) luôn được các cấp, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm.

Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, gồm 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Thái, Thổ sinh sống đan xen ở 21 xã, thị trấn. Hơn một nửa dân số ở huyện này là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 14 xã khu vực III, 6 xã khu vực I và 1 thị trấn; trong đó có 99/214 làng, bản đặc biệt khó khăn.

Huyện còn 3.875 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,68%; hộ cận nghèo chiếm 15,74%. Hình thức sản xuất chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi còn mang tính tuyền thống, hiệu quả chưa cao, người dân sản xuất thiếu định hướng, thiếu tư liệu.

Huyện Quỳ Hợp đã quan tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Huyện Quỳ Hợp đã quan tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện Quỳ Hợp đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án do Nhà nước hỗ trợ, góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân nơi vùng quê còn nhiều khó khăn.

Tại 3 xã Văn Lợi, Hạ Sơn và Yên Hợp, người dân được hỗ trợ sinh kế giống Bê cái lai Sind, vừa giúp người dân thay đổi dần tập quán chăn nuôi cũ, vừa nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, từng bước thoát nghèo bền vững, đa chiều.

Mỗi xã lựa chọn 55 hộ hộ nghèo và cận nghèo, mỗi hộ được cấp 1 con bê cái lai Sind. Bê được cấp là chủng loại Bê cái lai Sind với trọng lượng mỗi con đạt từ 125kg trở lên, tất cả bê đều đã được tiêm phòng, kiểm dịch, lấy mẫu máu, bấm lỗ tai đầy đủ, con giống khỏe mạnh, hình dáng đẹp đủ điều kiện để cấp phát cho người dân chăn nuôi.

Trước khi nhận bê, các hộ dân đã được tập huấn đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và chuẩn bị điều kiện đầy đủ về chuồng trại, đất trồng cỏ làm thức ăn nên đàn bê sau khi cấp được các hộ dân chăm sóc nuôi dưỡng và sinh trưởng khá tốt. Sau thời gian nuôi, hiện nay, hầu hết bê cái đã mang thai hoặc đang trong giai đoạn động dục, chờ phối giống.

Ông Quang Văn Xuyến, xóm Dé xã Yên Hợp, chia sẻ trong hầu hết các hộ nghèo đều có người sức khỏe không tốt, khó để làm công việc nặng, kinh tế càng eo hẹp. Họ cũng không có vốn để mua con giống phát triển chăn nuôi. Việc được cấp bê giống đã giải quyết được công việc làm và giúp gia đình phát triển được đàn vật nuôi.

Chăn nuôi bò cũng mô hình sinh kế đang mang lại thu nhập cho gia đình chị Vi Thị May Xúng (người dân tộc Thái tại bản Mánh, xã miền núi Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp).

Với 30 triệu đồng được vay từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chị đã mua một cặp bò sinh sản. Sau khi trả xong khoản vay ban đầu, gia đình được vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi bò và trồng 18 ha keo cùng 20 triệu đồng cho các con đi học.

Từ cặp bò giống ban đầu, đến nay, đàn bò của gia đình chị đã tăng lên 14 con, vườn keo cũng sắp đến ngày thu hoạch. Chị Xúng cho biết gia đình đang chuẩn bị xây dựng tiếp chuồng trại để nuôi thêm dê, tạo thêm nguồn thu nhập, sớm thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Bên cạnh mô hình hỗ trợ sinh kế giảm nghèo bền vững, huyện Quỳ Hợp quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Mới đây, gia đình bà Nguyễn Thị Bính đã được khởi công xây dựng nhà mới với hỗ trợ của chính quyền và đoàn thể.

Gia đình bà Bính vốn thuộc hộ nghèo của xã, hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ đã xuống cấp, ở với con trai và cháu nhỏ học lớp 11. Con trai bà bị tai nạn, không thể lao động bình thường, chỉ sống với đôi đồng lương làm bảo vệ, bản thân bà thường xuyên đau ốm.

Bởi vậy, căn nhà kiên cố đang được xây dựng sẽ giúp gia đình bà Bính có chỗ ở đảm bảo cho sinh hoạt gia đình, là động lực để bà vượt qua khó khăn.

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Quỳ Hợp đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại 13 xã khu vực III và 7 xã khu vực I có 22 thôn bản đặc biệt khó khăn. Đối tượng của chương trình là các hộ nghèo và cận nghèo, tổng kinh phí đầu tư theo chỉ tiêu giao trên 7,5 tỷ đồng. Với số kinh phí được hỗ trợ, huyện đã cấp được 464 con bê cái địa phương và bê cái lai Sind, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 500 hộ dân...

Chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Quỳ Hợp cũng đã góp phần giảm nghèo có hiệu quả, giúp các xã đặc biệt khó khăn từng bước phát triển sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/da-dang-hoa-sinh-ke-phat-trien-mo-hinh-giam-ngheo-ben-vung-da-chieu-o-quy-hop-2321211.html