Đa dạng hóa tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng dân tộc xứ Thanh
Nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân tộc thiểu số vùng khó khăn về các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tới tận thôn bản. Trong đó có các phiên tòa xét xử lưu động.
Ngày 28/8, tại Trung tâm Chính trị huyện Quan Sơn, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an tỉnh và UBND huyện Quan Sơn tổ chức hội nghị pháp luật cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn huyện Quan Sơn năm 2023.
Theo kế hoạch, Hội nghị diễn ra từ ngày 28 đến 30/8. Trong các ngày 28 và 29/8, tại Trung tâm Chính trị huyện Quan Sơn có 105 đại biểu thuộc 7 thôn, bản đặc biệt khó khăn của các xã: Trung Tiến, Trung Thượng, Tam Thanh, thị trấn Sơn Lư tham dự. Ngày 29 và 30/8, tại xã Sơn Thủy sẽ có 150 đại biểu của 10 thôn, bản đặc biệt khó khăn của các xã: Sơn Thủy, Sơn Điện, Na Mèo tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu là cán bộ thôn, bản và người dân tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn đã được các báo cáo viên truyền đạt một số văn bản luật; Hướng dẫn một số nội dung về quy trình tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2021-2025...
Thông qua hội nghị góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, người dân huyện Quan Sơn về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng địa phương.
Trước đó, từ 22-24/8, các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào các thôn, bản đặc biệt khó khăn huyện Lang Chánh năm 2023. Đã có gần 300 đại biểu thuộc các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm: Tam Văn, Tân Phúc, Giao Thiện, Lâm Phú, Đồng Lương, Yên Thắng, Yên Khương, thị trấn Lang Chánh tham dự hội nghị.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Cầm Bá Tường cho biết: “Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Các đại biểu tham dự hội nghị đều là cán bộ của thôn, bản, người có uy tín đã được nhân dân bầu chọn và đại diện hộ gia đình thay mặt cho cộng đồng, tổ chức tiếp thu các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và cấp trên. Là những người trực tiếp tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ với đồng bào lại càng cần phải có sự nghiên cứu kỹ hơn các chính sách, pháp luật thì mới có thể tuyên truyền, phổ biến, giải thích được cho đồng bào”.
Bí thư chi bộ thôn Tân Bình, xã Tân Phúc Hà Văn Hồng chia sẻ: “Thôn Tân Bình có 85% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp, trồng luồng. Về tham dự hội nghị, thôn Tân Bình có 15 đại biểu là bí thư, trưởng thôn, đại diện các đoàn thể và hộ tiêu biểu trong thôn. Chúng tôi được nghe các báo cáo viên tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc miền núi...
Qua đó, giúp mỗi cán bộ thôn, bản củng cố, cập nhật, bổ sung một số kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tiếp tục vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách dân tộc và các chương trình, dự án đang được triển khai tại địa phương”.
Thời gian qua, huyện Lang Chánh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn như: Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; xe lưu động; Cổng thông tin điện tử của huyện; bản tin nội bộ, trang facebook “Tư pháp Lang Chánh”; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu đến tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ, công chức và người dân.
Các cơ quan chức năng đã, đang phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Lang Chánh đưa ra xét xử lưu động tại cơ sở để từ đó người dân nắm được các quy định, chế tài của pháp luật trong hoạt động tố tụng. Sau mỗi phiên tòa lưu động, người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, các tập tục, thói quen xấu mà đấu tranh, phòng tránh, loại bỏ khỏi cuộc sống.
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỉ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: Dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía tây. Trong đó có nhiều huyện tiếp giáp với nước bạn Lào, có nhiều khu vực đồi, núi nên nhiều loại tội phạm lợi dụng vào đây để hoạt động gây mất an ninh, trật tự.