Đa dạng hóa vận tải công cộng, tạo tiền đề cho giao thông thông minh
Nhiều chuyên gia đánh giá với các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, việc phát triển vận tải hành khách công cộng là xương sống của hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng xây dựng văn hóa giao thông hiện đại, văn minh.
Xu thế tất yếu, xây dựng văn hóa giao thông hiện đại
Những năm qua, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại, chất lượng hơn, đời sống của cộng đồng dân cư đô thị cũng ngày một nâng cao.
Tuy nhiên quá trình phát triển, tại các đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, bất cập lớn đặc biệt là sự phát triển còn thiếu tính bền vững, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường,...
Với quy mô dân số lớn, số lượng phương tiện đông, việc phát triển vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội được đánh giá là xương sống của hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Thống kê từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho thấy; hệ thống tàu điện, xe buýt của Thủ đô đã vận chuyển hơn 357 triệu lượt khách qua 9 tháng của năm 2023, tương ứng với mức tăng 56,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 7,7 triệu lượt hành khách. Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, giai đoạn đầu khi mới đưa vào khai thác lượng khách đi hằng ngày chỉ khoảng 10.000 người/ngày. Tuy nhiên đến nay, trong những ngày làm việc, lưu lượng khách 35.000 người/ngày.
Bên cạnh sự tăng trưởng của tàu điện, hệ thống xe buýt cũng đạt được những con số ấn tượng. Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách vận chuyển tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác hợp lý hóa luồng tuyến cũng được đẩy mạnh với 28 tuyến buýt được điều chỉnh biểu đồ hoạt động cho phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của hành khách; 68 điểm dừng đỗ xe buýt bị hư hỏng, mất an toàn giao thông đã được phối hợp khắc phục, xử lý.
Không dừng lại ở đó, trong năm 2023, lần đầu tiên xe đạp công cộng được đưa vào khai thác sử dụng tại Hà Nội. Những tuyến xe buýt điện được đưa vào khai thác góp phần nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường.
Anh Khiêm (trú tại quận Hà Đông) chia sẻ, cùng với sự phát triển và mở rộng không ngừng của mạng lưới xe buýt, nhất là tàu điện trên cao đi vào khai thác đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Giờ đây, quãng đường đi làm của anh đã không còn lo khói bụi, tắc đường nữa.
Còn với bạn Minh Anh (trú tại quận Đống Đa), sau nhiều năm đi học và đi làm bằng xe buýt và mới đây là tàu điện, bản thân cảm thấy đây là loại hình giao thông rất phù hợp và mang tính cộng đồng cao, văn minh hiện đại. So với những năm trước, mọi người dần có ý thức hơn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Vận tải công cộng ngày càng được người dân ưa chuộng bởi sự thuận tiện khi di chuyển, giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Đồng thời góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông và lượng khí thải gây hại đến môi trường.
Gia tăng chất lượng, ứng dụng công nghệ để thu hút khách
Thông tin từ ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho biết, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới đáp ứng khoảng 17,5% nhu cầu đi lại. Mục tiêu của thành phố đến năm 2030 phải đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu đi lại.
Với bất kỳ loại hình vận tải hành khách hiện đại nào từ đường sắt đô thị đến xe buýt, phong cách phục vụ văn minh sẽ góp phần tạo thiện cảm để hành khách sử dụng từ đó thay đổi dần hành vi và hình thành, xây dựng văn hóa giao thông.
Theo ông Vũ Hồng Trường, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại và từng bước xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội theo hướng văn minh và hiện đại. Trước đây người dân đi ở cự ly ngắn thì thường sử dụng phương tiện cá nhân.
Đến nay mọi người đã chấp nhận việc đi bộ xa hơn để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng. Đây cũng là một trong những đóng góp của người dân để giải quyết bài toán về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trong các đô thị lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong thời đại 4.0, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống giao thông sẽ tạo nên bước đột phá trong việc giảm thiểu ùn tắc tại Hà Nội. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ .
Điển hình như hệ thống thẻ vé liên thông dùng chung cho toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Thậm chí việc cho phép người dân trả tiền vé lượt thông qua giao dịch điện tử khi sử dụng xe buýt, tàu điện cũng chưa thể thực hiện được.
Trong hiện tại và cả tương lai, xe buýt vẫn luôn giữ vai trò chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đường sắt đô thị càng được đầu tư mở rộng lại càng cần có mạng lưới xe buýt kết nối nhịp nhàng để trung chuyển hành khách đến và đi.
Tuy nhiên, hiện các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đang chậm tiến độ rất nhiều, hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu so với yêu cầu, cá biệt có nơi còn bị chiếm dụng. Điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Để xây dựng giao thông thông minh, phát huy tất cả các thế mạnh của vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cần chú trọng đầu tư và đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của toàn thành phố. Từ đó cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn sẽ có đầy đủ cơ sở để phân tích, đánh giá về mức độ ùn tắc giao thông và kịp thời đưa ra giải pháp xử lý.
Tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Hệ thống đường sắt đô thị được hoàn thiện và kết nối với xe buýt, xe đạp công cộng sẽ thu hút nhiều người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân.