Đa dạng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả ở xã Đồng Tân

Với đặc thù là xã thuần nông nên trong lãnh đạo phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đồng Tân (Hiệp Hòa) đã quan tâm giúp người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó từng bước cải thiện đời sống người dân, phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững.

Phát triển mô hình sản xuất, cải thiện đời sống người dân

Ông Nguyễn Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương. Trong đó xã đặc biệt chú trọng công tác đào đạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, triển khai hiệu quả các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Trung bình mỗi năm, xã phối hợp với các đơn vị mở 3-5 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, qua đó tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động. Xã giao các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật; đưa những cây trồng mới, năng suất cao vào sản xuất; thực hiện các mô hình liên kết trong đầu tư, sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng sản phẩm OCOP.

 Đồng chí Nguyễn Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND xã (đứng giữa) thăm mô hình trồng tre lấy măng của hộ ông Nguyễn Phi Thử.

Đồng chí Nguyễn Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND xã (đứng giữa) thăm mô hình trồng tre lấy măng của hộ ông Nguyễn Phi Thử.

Để chủ động lương thực, thực phẩm, đồng thời cung cấp cho thị trường mang lại nguồn thu cho các hộ dân, xã chủ trương duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm vừa qua của xã là 227,5ha; chủ yếu là lúa, ngô, lạc và rau màu. Trong đó diện tích trồng lúa nhiều nhất với hơn 112 ha, năng suất 60 tạ/ha và tăng 1,7% so với cùng kỳ. Người dân còn phát triển chăn nuôi với hơn 500 con trâu, bò, ngựa; hơn 2 nghìn con lợn và hàng nghìn con gia cầm.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Đồng Tân khuyến khích người dân duy trì một số nghề truyền thống như nghề mộc, xây dựng, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Hiện toàn xã có hơn 300 hộ với gần 1,5 nghìn nhân khẩu làm nghề mộc, xây dựng. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Chi, thôn Hòa Bình có xưởng sản xuất mộc dân dụng, tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động địa phương; thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các thôn huy động nhân lực nạo vét kênh mương nội đồng để tưới tiêu thuận lợi. Vừa qua, xã đã hoàn thành cứng hóa gần 1km đường giao thông qua các thôn: Sơn Đông, Tiến Lập, Đồng Vân; 1km đường nội đồng thôn Tiến Lập, thôn Thắng Lợi. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được quan tâm chỉnh trang, nâng cấp tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các dịch vụ chất lượng. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%; chất lượng giáo dục ở các bậc học luôn đạt cao.

Thành quả giảm nghèo

Đầu tháng 8, trên 1,2 mẫu vườn của gia đình ông Nguyễn Phi Thử ở thôn Giang Đông, măng lục trúc “đội đất” mọc lên như những bàn chông kín lối đi. Những hom tre giống được gia đình ông trồng từ năm 2016 đến nay đã phát triển tốt, cây vươn cao tạo thành vòm xanh mát. Mỗi khóm tre cho từ 7-10 củ măng tròn đặc. Do không phải dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình chăm sóc nên măng là loại thực phẩm an toàn, sau khi rửa sạch, để ráo nước có thể ăn tươi vì có vị ngọt và thơm. Ông Thử chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng đắn đo khi quyết định đổi đất để trồng măng. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan các mô hình đã thành công trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định chuyển sang trồng lục trúc lấy măng. Cây dễ chăm sóc, lại rất phù hợp với đất đồi của khu vực này nên sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch). Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay nhúng lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác nên được khách hàng ưa chuộng. Bình quân 1 sào tre cho thu hoạch 4 tấn măng tươi/vụ, trừ chi phí, ông thu lãi 15 triệu đồng/sào.

 Cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Văn Chi (bên trái), thôn Hòa Bình tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở sản xuất mộc của anh Nguyễn Văn Chi (bên trái), thôn Hòa Bình tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Với những ưu điểm đó, cây lục trúc lấy măng đã được nhiều hộ dân ở Đồng Tân đưa vào trồng thành vùng sản xuất hàng hóa. Hiện xã vừa thành lập tổ liên kết sản xuất với 15 thành viên, diện tích 3,8ha; phấn đấu tăng lên 5ha vào cuối năm nay. Theo các hộ, cây tre khi trưởng thành (đủ 2 năm) sẽ cho thu hoạch liên tục, trung bình từ 30-40kg măng/khóm. Từ khi phát triển mô hình trồng măng lục trúc, cuộc sống nhiều gia đình cải thiện hơn nhiều, xây được nhà ở khang trang, có điều kiện nuôi con ăn học trưởng thành.

Tương tự, nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hộ chị Phạm Thị Kim ở thôn Giang Đông đã thành công với mô hình liên kết nuôi lợn trong chuồng lạnh. Chị Kim cho biết: "Là cán bộ hội nông dân thường xuyên tiếp xúc với kiến thức, kỹ thuật mới nên năm 2016, tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng lạnh để nuôi lợn với quy mô mỗi năm 20 lợn nái, 200 lợn thịt. Khu nuôi lợn thịt, lợn nái được phân chia riêng biệt, nhiệt độ trong chuồng được bảo đảm luôn mát mẻ giúp đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh, thời gian nuôi được rút ngắn. Lợn được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, có sức đề kháng tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Với sản lượng 40 tấn/năm, mô hình chăn nuôi của gia đình đạt doanh thu mỗi năm hơn 2,4 tỷ đồng".

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, đến nay diện mạo nông thôn mới xã Đồng Tân đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Năm 2023, Đồng Tân còn 18 hộ nghèo, tỷ lệ 2,24% và 24 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,98%. Để thực hiện thành công chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian tới, xã Đồng Tân tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ưu tiên hỗ trợ vốn, đầu tư sản xuất để hộ nghèo có động lực vươn lên. Cùng đó, quan tâm trợ giúp người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững. Tiếp tục triển khai hiệu quả tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, trong đó chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở. Thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân.

Bài, ảnh: Nguyên Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/da-dang-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-giam-ngheo-hieu-qua-o-xa-dong-tan-190130.bbg