Đa dạng mức điểm chuẩn, học phí, tổ hợp xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế

Điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế có sự chênh lệch khá lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học. Tại một số trường, điểm chuẩn ngành này năm 2024 lên tới hơn 28 điểm.

Ngành Luật Kinh tế được đào tạo kết hợp nền tảng pháp luật với kiến thức về kinh tế, thương mại. Đây là ngành học chuyên sâu về các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức về các vấn đề pháp lý trong giao dịch kinh tế, hợp đồng thương mại, đầu tư, cạnh tranh và giải quyết tranh chấp trong môi trường kinh doanh.

Nhằm cung cấp thông tin về ngành Luật Kinh tế để thí sinh và phụ huynh tiện theo dõi, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiến hành tìm hiểu và tổng hợp thông tin tổng quan về chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, điểm chuẩn, học phí cũng như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành học này những năm gần đây tại một số trường đại học trên cả nước.

Theo phương hướng tuyển sinh, mở ngành, chính sách học phí, hỗ trợ người học năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển sinh đại học chính quy khoảng 2.650 chỉ tiêu (tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm ngoái).

 Trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Về phương thức tuyển sinh, nhà trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển đối với các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (kết quả học tập cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12) theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (xét học bạ), trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Năm 2024, nhà trường tuyển 268 chỉ tiêu ngành Luật Kinh tế với các tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, C00, D01, D02, D03, D04, D05, D06.

Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2022 đến 2024 của ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội dao động từ 25,5 đến 29,52 điểm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có việc làm sau 1 năm ra trường là 91,84%.

Mức học phí năm học 2024-2025 của Trường Đại học Luật Hà Nội là 3.553.200 đồng/tháng/sinh viên, tương đương 815.000 đồng/tín chỉ. Nhà trường thu 5 tháng/học kỳ, 25 tháng/khóa học, 109 tín chỉ/khóa học.

Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Luật Kinh tế của trường là 301 chỉ tiêu với 3 chuyên ngành Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế và Luật Thương mại quốc tế (Tiếng Anh).

 Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 3 chuyên ngành Luật Kinh tế. (Ảnh chụp màn hình)

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 3 chuyên ngành Luật Kinh tế. (Ảnh chụp màn hình)

Điểm chuẩn ngành này của trường theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023, 2024 dao động từ 24,65 đến 26,09 điểm.

Học phí học năm học 2024-2025 của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 27,5 triệu đồng (năm 1) cho chương trình đào tạo bằng tiếng Việt và 57,6 triệu đồng (năm 1) cho chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2023 của nhà trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có việc làm trên tổng số sinh viên trả lời khảo sát là 95,88%.

Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Luật, Đại học Huế dự kiến tuyển 700 chỉ tiêu ngành Luật Kinh tế ở các tổ hợp xét tuyển A00, C19, C20, D01, D66.

Năm 2025, nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

 Chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển năm 2025 ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. (Ảnh: website nhà trường)

Chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển năm 2025 ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế. (Ảnh: website nhà trường)

Điểm chuẩn ngành này của trường theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 19, 19 và 21 điểm.

Học phí học năm học 2024-2025 của Trường Đại học Luật, Đại học Huế là 14 triệu đồng/năm/sinh viên; mức tăng hàng năm (nếu có) không quá 20% so với mức học phí năm trước liền kề.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế tại trường có việc làm trên tổng số sinh viên trả lời khảo sát là 92,3%.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Luật Kinh tế. Theo đề án tuyển sinh năm 2025, trường xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế tại trường theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 27,00; 26,85 và 27,05 điểm.

Năm 2025, trường xét tuyển 4 tổ hợp môn thi cho ngành Luật Kinh tế là A00, A01, D01, D07. Chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng ngành, chương trình/nhóm ngành; theo từng phương thức xét tuyển và trình độ đào tạo năm 2025 sẽ được nhà trường thông báo sau. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh 225 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2023 được đăng tải trên website Đại học Kinh tế quốc dân, tỷ lệ sinh viên ngành Luật Kinh tế có việc làm trên tổng số sinh viên trả lời khảo sát là 98,25%.

Học phí đại học chính quy chương trình chuẩn năm học 2025-2026 của trường dao động từ 18 đến 25 triệu đồng.

Tại Học viện Ngân hàng, theo thông tin tuyển sinh năm 2025, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến ngành Luật Kinh tế là 250 chỉ tiêu, áp dụng các tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D07, C00, C03, D14, D15.

Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, học viện xét tuyển theo 5 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ); Xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (V-SAT, HSA); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm chuẩn ngành này của trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023, 2024 dao động từ 25,52 đến 28,13 điểm.

 Biến động điểm chuẩn ngành Luật kinh tế tại Học viện Ngân hàng từ năm 2022 đến 2024. (Biểu đồ: Đình Nam)

Biến động điểm chuẩn ngành Luật kinh tế tại Học viện Ngân hàng từ năm 2022 đến 2024. (Biểu đồ: Đình Nam)

Ngành Luật Kinh tế thuộc khối ngành III (Kinh doanh quản lý và pháp luật). Học phí dự kiến năm học 2025–2026 của Học viện Ngân hàng với ngành này là 785.000 đồng/tín chỉ, tương đương 26,5 triệu đồng/năm học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế đã có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi là 97,27%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh theo 6 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2025, Trường Đại học Thương mại tuyển 330 chỉ tiêu ngành Luật Kinh tế với 3 chuyên ngành: Luật Kinh tế, Luật Kinh doanh - chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, Luật thương mại quốc tế. Nhà trường áp dụng các tổ hợp môn xét tuyển bao gồm: A00, A01, D01, D07, D09, D10, D84.

 Sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: website nhà trường)

Điểm chuẩn ngành này của trường theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 25,80; 25,60 và 25,80 điểm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế có việc làm sau 1 năm ra trường là 97,94%.

Học phí năm học 2025-2026 tại Trường Đại học Thương mại dao động từ 2.400.000 đến 2.790.000 đồng/tháng cho các chương trình đào tạo chuẩn; 3.850.000 đồng/tháng cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP). Mức thu học phí hàng năm tăng không quá 12,5% so với năm trước liền kề.

Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Đông Á dự kiến tuyển sinh ngành Luật Kinh tế ở các tổ hợp môn xét tuyển là A01, C00, D01, C03.

Nhà trường dự kiến xét tuyển theo 5 phương thức: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm môn năng khiếu; Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm chuẩn ngành này của trường từ năm 2022 đến 2024 đều là 15 điểm.

 Tổ hợp môn xét tuyển dự kiến ngành Luật Kinh tế năm 2025 của Trường Đại học Đông Á. (Ảnh chụp màn hình)

Tổ hợp môn xét tuyển dự kiến ngành Luật Kinh tế năm 2025 của Trường Đại học Đông Á. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, học phí ngành Luật Kinh tế hệ đại học chính quy năm học 2024 - 2025 của Trường Đại học Đông Á là 715.000 đồng/tín chỉ (toàn khóa 133 tín chỉ, 8 học kỳ).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế đã có việc làm trên tổng số sinh viên phản hồi là 96,1%.

Đình Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/da-dang-muc-diem-chuan-hoc-phi-to-hop-xet-tuyen-vao-nganh-luat-kinh-te-post250584.gd