Đa dạng nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn
Sau thời gian dài dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan trên diện rộng, nguồn cung thịt lợn giảm đáng kể so với trước. Nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm thay thế thịt lợn.
Theo thống kê của ngành chăn nuôi và thú y, tính đến ngày 19/11 năm nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.500 hộ thuộc 760 thôn, tổ dân phố của 125 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố. Dịch đã làm hơn 36,5 nghìn con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy, thiệt hại 7,6% tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh; lực lượng chuyên môn đã tiêu hủy 1,6 nghìn tấn lợn các loại. Đến nay, huyện Si Ma Cai đã khống chế được dịch và 82 xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc, trong đó có 35 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và có 10 xã công bố hết dịch nhưng tái phát. Không chỉ giảm tổng đàn do số lượng lớn lợn phải tiêu hủy, dịch bệnh cũng khiến các hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn, dẫn đến nguồn cung thịt lợn khan hiếm.
Theo khảo sát, giá lợn hơi hiện dao động ở mức 60 - 78 nghìn đồng/kg; giá lợn giống 1,5 - 1,6 triệu đồng/con (khoảng 8 - 10 kg). Tại khu vực vùng cao như Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, giá lợn hơi có thời điểm đạt ngưỡng 73 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn dao động khoảng 140 - 180 nghìn đồng/kg tùy loại. Đây là những mức giá được ghi nhận là cao nhất trong những năm gần đây.
Chị Nguyễn Thị Hiền (thị trấn Mường Khương) kể: Sáng nay, tôi hỏi mua thịt ba chỉ thì biết có giá 120 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai 170 - 200 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá rất cao, ngang với thịt ngựa và thịt bò. Giá thịt lợn cao nên tôi chuyển sang các loại thực phẩm khác, thay thế bữa chính bằng cá, gà, thịt bò vì những mặt hàng này giá cũng tăng so với năm ngoái nhưng không đáng kể.
Tại huyện Bảo Thắng, địa phương có ngành chăn nuôi lợn phát triển nhất tỉnh với nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, nguồn cung lợn thịt cũng giảm đáng kể. Giá lợn hơi (lợn nạc) đã chạm ngưỡng 78 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn trung bình 140 nghìn đồng/kg. Do dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi không tái đàn mà chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc lớn. Chị Lương Thị Huê, thôn Hòa Lạc, xã Gia Phú tâm sự: Trước đây, gia đình tôi nuôi mỗi lứa 40 con lợn, nhưng từ khi có dịch, tôi chuyển sang nuôi gà. Hiện gia đình tôi đang nuôi hơn 5 nghìn con gà, dự kiến trước tết có thể xuất bán.
Huyện Bảo Thắng hiện có 75 nghìn con lợn, đa phần là lợn nái, lợn con. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, ngành chăn nuôi của huyện đã dự báo trước tình hình nên có phương án đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đàn lợn của huyện giảm nhiều trong khi đàn gia cầm tăng và hiện đạt 1,7 triệu con; diện tích nuôi thủy sản và sản lượng cũng tăng, đạt 3,8 nghìn tấn, qua đó bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do nguồn cung thịt lợn giảm.
Tuy nhiên, các loại thực phẩm thay thế thịt lợn như thịt gà, cá, bò, ngựa, dê… dù nguồn cung phong phú, song thịt lợn vẫn là thực phẩm quen thuộc nhất trên mâm cơm của người Việt. Hiện nay, giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ dù nguồn cung các loại thịt khác đang dồi dào và giá bán vẫn tương đối ổn định.
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đang lắng xuống, nhiều địa phương đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch, đủ điều kiện để người chăn nuôi tái đàn nhưng ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo người dân thận trọng khi tái đàn, tái đàn từ từ, khoảng 1/3 quy mô tổng đàn so với trước khi dịch bệnh xuất hiện. Trong khi đó, Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu về các loại thịt thường tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi cũng chủ động chuyển đổi vật nuôi để có nguồn cung thay thế. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết để có những giải pháp chăn nuôi phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.