Đa dạng nguồn hàng bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu

Lượng hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường dịp Tết Tân Sửu được các địa phương chuẩn bị với số lượng dồi dào, chiếm khoảng 20 - 35% nhu cầu thị trường.

Thị trường hàng hóa Tết dồi dào, giá cả bình ổn, chất lượng đảm bảo. Ảnh: T.U

Thị trường hàng hóa Tết dồi dào, giá cả bình ổn, chất lượng đảm bảo. Ảnh: T.U

Hàng bình ổn thị trường Tết phong phú, dồi dào

Bộ Công thương cho biết, theo báo cáo của sở công thương một số địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình bình ổn thị trường (BOTT).

Báo cáo mới nhất của các địa phương cho thấy, hiện có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trong đó có 26 địa phương có kế hoạch, triển khai chương trình BOTT.

Năm nay, chương trình BOTT có lượng hàng hóa được các địa phương chuẩn bị khá dồi dào, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hóa trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.

Hơn nữa, bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện BOTT các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện chương trình BOTT một cách quy mô và bài bản hơn.

Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách nhà nước.

Mặt khác, cùng với việc đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định, các tỉnh, thành phố rất quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...

Cũng theo Bộ Công thương, năm nay các địa phương thực hiện chương trình BOTT đã triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương bằng việc: mở rộng nhóm hàng hóa thuộc diện BOTT, thực hiện BOTT cả năm đối với một số hàng hóa thiết yếu trong danh mục của địa phương.

Đơn cử như Bình Dương thực hiện BOTT đối với mặt hàng giáo dục, sữa học đường, hàng hóa thiết yếu phục vụ tết; Lạng Sơn ngoài những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn chủ trương thực hiện BOTT đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp…

Nhiều điểm bán hàng xuyên Tết

Bộ Công thương cho hay, các doanh nghiệp phân phối tại địa phương cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên hàng Việt Nam. Trong đó đặc biệt là đối với nhóm hàng bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến trong hàng hóa phục vụ tết và hàng hóa trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều là hàng Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp phân phối đã thực hiện kế hoạch, triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng tươi sống trong dịp cận tết. Đặc biệt đến thời điểm này, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình và các hệ thống phân phối, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cam kết kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn. Trong đó, có rất nhiều điểm bán hàng xuyên tết, mở cửa bán hàng đến chiều ngày 30 tết và mở cửa ngay từ chiều mùng 1 tết. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch bố trí điểm bán không nghỉ tết.

Có thể thấy, giữa bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trở lại thì các hoạt động bình ổn thị trường nêu trên sẽ tạo tâm lý an tâm cho thị trường, giảm đầu cơ, mua trữ hàng gây tăng giá trong những ngày cận tết, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng.

Đáng chú ý năm nay, nguồn vốn dùng để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bộ Công thương đánh giá, sở dĩ năm nay chương trình BOTT tết có nhiều điểm tích cực hơn mọi năm là do các địa phương có nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện chương trình. Trong đó, các địa phương tăng cường phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện BOTT về lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng; vay vốn từ ngân sách với lãi suất 0% hoặc có thể hỗ trợ chi phí một số hạng mục trong chương trình như chi phí thuê mặt bằng, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương hoặc chi phí vận chuyển, cấp phát logo miễn phí…/.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-cau-tieu-dung/2021-02-02/da-dang-nguon-hang-binh-on-thi-truong-dip-tet-tan-suu-99292.aspx