Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí
Nằm trong chương trình nội dung Hội Báo toàn quốc 2024, sáng ngày 16/3 ban tổ chức Hội Báo đã tổ chức phiên thảo luận 'Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí'.
Mô hình đếm view không hiệu quả cho nguồn thu báo chí
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, chủ đề nguồn thu báo chí là vấn đề rất hấp dẫn.
Theo ông Lâm, nguồn thu trong lĩnh vực báo chí đã có từ ngày xưa nhưng thời điểm đó khác hiện nay rất nhiều.
Sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội qua báo chí rất cao cũng thông qua đó có nguồn thu đến từ thị trường chưa bao giờ tác động mạnh như bây giờ. Xu hướng quảng cáo trên không gian số, phương thức bán hàng điện tử phá vỡ phương thức thương mại truyền thống.
“Nếu chúng ta chứng minh hiệu quả bằng lượt view, lượt xem dần dần cũng bị thay thế bởi phương thức khác. Mô hình đếm view, tương tác thực ra cũng không hiệu quả như chúng ta tưởng. Các sản phẩm thương hiệu bây giờ chi tiền quảng cáo đều quan tâm rất nhiều đến chi phí thực để chuyển đổi ra thành khách hàng.” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Cơ quan báo chí tham gia vào chuỗi giá trị thương mại điện tử
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, nguồn thu đến từ độc giả ngày xưa bằng việc bán báo. Nhưng khi báo chí lên không gian mạng vô hình chung làm mất đi thói quen trả tiền mua báo. Bây giờ các độc giả trả tiền cho nội dung là cả một một vấn đề.
Nhiều người trả tiền cho nội dung báo chí trên mạng không phải do bài viết hay, nội dung hấp dẫn mà họ trả tiền cho trải nghiệm đỡ khó chịu hơn là không muốn xem quảng cáo.
“Chúng tôi đang quan sát và thấy rằng, đã có những cơ quan báo chí tham gia vào chuỗi giá trị thương mại điện tử, bán hàng điện tử, kết hợp với doanh nghiệp đưa sản phẩm dịch vụ đến người xem báo” – ông Lâm nói.
Người làm báo chí thời điểm này không chỉ làm mỗi nghề về nội dung, mà cần có kiến thức về thương mại điện tử, về quảng cáo, về xu thế nguồn thu liên quan đến dòng tiền trên không gian mạng.
Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về công tác truyền thông chính sách đã có sự chuyển biến rất rõ của cơ quan nhà nước trong việc truyền thông chính sách.
Việc truyền thông chính sách là trách nhiệm của Nhà nước, báo chí là một trong nhiều phương thức để truyền thông chính sách. Do đó, Nhà nước cần có đội ngũ nhân lực, nguồn lực, trong đó một phần đặt hàng báo chí là hướng rất khả quan, sẽ là thay đổi căn bản bên sử dụng dịch vụ là cơ quan Nhà nước và báo chí.
“Do đó để có được nguồn thu báo chí từ cơ quan Nhà nước, báo chí cũng phải nâng mình lên để đón nguồn thu và được đặt hàng từ Nhà nước” – ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, nguồn thu các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó 60% cơ quan báo chí chưa có ý định thu phí từ đọc giả.
Để khuyến khích phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam, Nhà nước cần có những chính sách như: Giảm thuế đối với sản phẩm báo chí; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; Giảm bớt các nghĩa vụ tương tác trên các mạng xã hộ tạo thuận lợi cho việc tương tác giữa độc giả với tòa soạn; Đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa về đầu tư công nghệ cho các cơ quan báo chí…
Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài TH Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay, Đài TH Vĩnh Long sản xuất nội dung bao gồm hai mảng đó là, mảng tin tức thời sự và mảng giải trí. Trong đó, nguồn thu chính vẫn là từ quảng cáo, tuy nhiên nguồn thu này vẫn đang giảm đi từng ngày.
Sự sụt giảm từ nguồn thu từ độc giả báo giấy như đà không phanh, đến nay doanh thu báo online chiếm 75% tổng doanh thu. Giờ nguồn thu này chuyển sang các nền tảng số, tuy nhiên cái khó khăn nhất là tư duy, thói quen của người làm báo vẫn chưa bắt kịp được thói quen của độc giả.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/da-dang-nguon-thu-cho-cac-co-quan-bao-chi.html