Đa dạng phương thức truyền thông để giảm nghèo bền vững
Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo góp phần giúp người nghèo tiếp cận các hình thức hỗ trợ, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Được tiếp cận thông tin về các chính sách giảm nghèo bền vững và tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Thạch Hà đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Cuối năm 2023, ông Đặng Văn Luận - hộ cận nghèo ở thôn Trung Văn (xã Thạch Văn) được nhận hỗ trợ 90 con gà giống và thức ăn từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh trong quá trình nuôi, đến nay, từ đàn gà sinh kế, ông Luận đã xuất bán 2 lứa gà và tiếp tục tái đàn để nâng cao thu nhập.
Ông Đặng Văn Luận chia sẻ: “Được đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo tuyên truyền, phổ biến các chính sách dành cho hộ nghèo, tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc thoát nghèo. Hy vọng, với sự hỗ trợ từ các chính sách, sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể và sự nỗ lực của bản thân, tôi sẽ thoát nghèo trong thời gian tới”.
Cũng giống như huyện Thạch Hà, các địa phương trên toàn tỉnh đều xác định công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Việc đa dạng hình thức tuyên truyền không chỉ giúp các xã, thị trấn triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ mà còn giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi các gương điển hình, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn, hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn; phát tờ rơi; tổ chức đối thoại; tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội…
Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã làm công tác giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.
Theo ông Nghiêm Hoàng Tuấn - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Thọ, trong công tác giảm nghèo, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân. Cách làm của địa phương là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ đúng, trúng, phù hợp, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, hằng năm, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đức Thọ đều giảm. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm còn 963 hộ nghèo (tỷ lệ 3,05%), 993 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,14%); so với năm 2022 giảm 161 hộ nghèo, giảm 242 hộ cận nghèo.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình này. Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị, địa phương đã tổ chức 25 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về nội dung và kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho hơn 4.100 cán bộ từ cấp tỉnh đến xã; mỗi năm tổ chức từ 15-20 hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo ở các cấp, ngành. Mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH in ấn, cấp phát hơn 10.000 tờ rơi, tờ gấp; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương, nền tảng mạng xã hội…
Các cơ quan báo chí của tỉnh như Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục về giảm nghèo; tăng cường các tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình thực hiện giảm nghèo trên các lĩnh vực, những kinh nghiệm trong sản xuất; biểu dương, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu…
Để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho hàng nghìn cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Ngoài ra, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức hàng trăm hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.
Với sự đa dạng phương thức thông tin, truyền thông, Hà Tĩnh đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,01% (giảm 0,78%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022.
Với mục tiêu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Tĩnh giảm từ 0,6-1%, trong thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 và những năm tiếp theo.