Đa dạng sân chơi cho người trung tuổi

Việc tạo ra 'sân chơi' dành cho người trung tuổi thông qua các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ, các hình thức rèn luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí... không chỉ giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mà còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, phát huy tình đoàn kết trong Nhân dân.

Phong trào nhảy dân vũ thể thao thu hút nhiều phụ nữ trung tuổi ở huyện Triệu Sơn tham gia.

Một trong những “sân chơi” văn hóa, văn nghệ hiện đang có sức lôi cuốn và hấp dẫn phụ nữ trung tuổi là nhảy dân vũ thể thao. Tại huyện Triệu Sơn, bộ môn này đã thu hút được rất đông phụ nữ trung tuổi tham gia.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Sơn Lê Thị Độ, cho biết: Nhảy dân vũ là bộ môn thể thao phù hợp với phụ nữ tuổi trung niên, nhất là ở vùng nông thôn. Môn này cũng giống như bài tập thể dục nhẹ nhàng, an toàn. Khi tập đòi hỏi sự vận động của cả cơ thể và các giác quan như tai để cảm nhận âm nhạc, mắt để quan sát các bước nhảy, chân và tay vận động phù hợp với các động tác đơn giản, dễ thực hiện, không tốn quá nhiều sức, không gây nguy hiểm... Vậy nên đây là sự lựa chọn lý tưởng với điều kiện sức khỏe của người trung tuổi, giúp cơ thể linh hoạt, dẻo dai, thoải mái về tinh thần. Hơn nữa, khi tham gia bộ môn này không chỉ tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, mà còn là “điểm hẹn” để các thành viên có dịp gặp gỡ trò chuyện, giao lưu, gắn kết với nhau. Bởi vậy, nhiều năm trở lại đây nhảy dân vũ thể thao đang dần trở thành phong trào sâu rộng thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện.

Xã Minh Sơn là một trong những địa phương có phong trào nhảy dân vũ thể thao phát triển mạnh trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Chủ tịch Hội LHPN xã Mai Thị Hà chia sẻ: Bộ môn này mang lại rất nhiều lợi ích cho chị em phụ nữ trung tuổi, không chỉ là rèn luyện sức khỏe, mà thông qua việc tập hợp chị em đến tham gia hoạt động còn có điều kiện gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ những tâm tư, tình cảm với nhau. Bởi vậy, ngoài CLB nhảy dân vũ của xã, thì ở tất cả các thôn đều thành lập đội nhảy dân vũ. Các CLB, đội nhảy dân vũ hoạt động rất tích cực và tham gia nhiều chương trình biểu diễn của xã, huyện. Qua đó, thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao của xã ngày một phát triển. Đặc biệt, để tạo thêm sân chơi giúp chị em phụ nữ trung tuổi có điều kiện học hỏi, chia sẻ thêm kinh nghiệm, các CLB, đội nhảy dân vũ thể thao trong xã còn tích cực tổ chức giao lưu với các đội nhảy dân vũ thể thao ở các xã khác trong huyện.

Một trong những sân chơi được duy trì từ nhiều năm qua đã và đang thu hút được nhiều thành viên là người trung tuổi, cao tuổi tham gia, đó là CLB chèo thôn Giá Mai, xã Tế Thắng (Nông Cống). Ông Lê Mạnh Đoài, thành viên CLB cho biết: Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích tiếng hát chèo, các thành viên trong CLB dù bận rộn với công việc đồng áng, việc gia đình nhưng đều rất nhiệt tình tham gia hoạt động tại CLB. Toàn bộ kinh phí tập luyện, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn... đều do các thành viên tự nguyện đóng góp và vận động nguồn xã hội hóa. Tuy khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo. Việc thành lập được CLB chèo và duy trì hoạt động suốt nhiều năm qua đã giúp chúng tôi có thêm sân chơi bổ ích để vừa có thể theo đuổi đam mê, vừa tạo tâm lý thoải mái, có thể giao lưu, chia sẻ và giúp nhau rèn luyện sức khỏe.

Tương tự, CLB tuồng cổ làng Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) được thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm nay cũng đang thu hút rất đông người trung tuổi trong làng, xã tham gia. Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới, thành viên CLB chia sẻ: CLB tuồng cổ được thành lập chủ yếu là các thành viên “cây nhà lá vườn” có cùng đam mê, sở thích. Đã thành nếp, cứ vào dịp cuối tuần hay khi xã có sự kiện các thành viên của CLB lại cùng nhau luyện tập, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có được những tiết mục đặc sắc. Thông qua những buổi luyện tập, sinh hoạt của CLB không chỉ giúp các thành viên được thỏa mãn đam mê, mà còn giúp rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và đóng góp vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa của địa phương.

Với người trung tuổi, nhu cầu được vui chơi, giải trí để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần là rất lớn. Bởi vậy, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hướng dẫn thành lập và phát triển các CLB, đội văn nghệ... phù hợp với người trung tuổi ở các địa phương. Tổ chức các giải thể thao, hội thi, hội diễn văn nghệ thu hút người trung tuổi tham gia. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện cho người trung tuổi hoạt động có hiệu quả. Song, để các sân chơi ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo người trung tuổi tham gia thì nhiều ý kiến cho rằng các cấp, ngành, địa phương cần tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người trung tuổi tham gia các phong trào văn hóa - thể thao tại địa phương; đa dạng hóa nội dung, hình thức phương pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phù hợp với người trung tuổi; tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống sân chơi, khu tập luyện thể dục - thể thao dành cho người trung tuổi...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/da-dang-san-choi-cho-nguoi-trung-tuoi/187334.htm