Đa dạng sản phẩm từ vải thiều Thanh Hà
Từ trái vải thiều tươi, người dân và nhiều doanh nghiệp đã chế biến ra các sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sấy vải cuối vụ
Sau vải tươi, người dân Thanh Hà còn sấy vải để bán sang Trung Quốc và phục vụ thị trường trong nước. Năm nay sản lượng vải nhiều hơn so với năm trước, giá bán vải tươi lại thấp hơn nên nhiều hộ cũng làm lò để sấy vải. Vải sau khi sấy để được lâu hơn, giá cao hơn nên đây cũng là cách để những nhà có nhiều vải áp dụng. Bà Đỗ Thị Quy ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn cho biết lúc đầu nông dân còn bán vải tươi vì được giá nhưng đến giữa vụ vải rộ lên, giá thấp nên bà thu mua về để sấy. Năm nay gia đình bà Quy sấy hơn 8 tấn vải tươi được khoảng 2,5 tấn vải khô. Gia đình bà có 1 dàn sấy với 10 lò, mỗi lần sấy được 1 tấn vải tươi. Tuy sấy số lượng lớn nhưng hầu hết vải khô của gia đình bà đã được các cửa hàng quen ở Hà Nội đặt mua hết. Bà Quy nói: "Vợ chồng tôi đã nhiều tuổi nên không muốn mở rộng thêm chứ thị trường tiêu thụ vải sấy cũng tiềm năng lắm. Vào vụ nhiều người đặt nhưng tôi không làm được".
Gia đình ông Đỗ Văn Hợi ở thôn 3, xã Thanh Xá cũng bắt đầu sấy vải từ đầu tháng 6. Năm nay, gia đình ông Hợi dự kiến sấy khoảng 20 tấn vải tươi. Toàn bộ số vải khô được chuyển qua cửa khẩu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Mỗi thùng vải sấy của gia đình ông Hợi đóng xuất đi Trung Quốc đều có nhãn hiệu vải thiều sấy khô Thanh Hà. Ông Hợi cho biết làm vải sấy không quá vất vả nhưng phải cẩn thận. Sấy vải bằng than bùn và phải trông coi thường xuyên. Nếu không cẩn thận sẽ làm vải bị cháy hoặc ruột chín không đều.
Năm nay huyện Thanh Hà có khoảng 15 điểm sấy vải với hàng trăm lò sấy, tăng gần chục điểm so với năm ngoái. Khoảng 3.000 tấn vải tươi được sấy khô, tăng khoảng 1.500 tấn so với năm trước. Vải sấy khô được tiêu thụ nhiều tại thị trường miền Nam và Trung Quốc, giá từ 100.000-150.000đồng/kg.
Giấm vải, nước ép...
Bên cạnh sản phẩm vải sấy khô, nhiều năm trở lại đây vải thiều Thanh Hà còn được Công ty CP Ameii chế biến thành giấm vải.
Sau khi lựa chọn những quả vải tươi ngon cấp độ hảo hạng xuất khẩu, còn một số loại vải cấp 2, cấp 3. Loại nào không sấy, không cấp đông được thì dùng để làm giấm vải. Vải sau khi sơ chế sạch sẽ được bóc lấy cùi ủ lên men tự nhiên. Năm nay do nhu cầu vải tươi nhiều nên doanh nghiệp làm giấm vải ít hơn, chủ yếu cho các khách hàng quen hoặc đã đặt từ trước. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết giấm vải lên men tự nhiên có thể sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. "Chúng tôi luôn hướng đến sản phẩm an toàn, bền vững nên các sản phẩm đều sản xuất đúng quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng".
Ngoài giấm vải, nhiều người dân còn ép vải lấy nước uống hoặc làm siro, thạch vải... Chị Lê Thị Tầm ở thị trấn Thanh Hà cho biết mùa vải nào chị cũng làm một bình siro vải để uống dần khi vải tươi hết. "Làm siro từ vải thiều uống được các mùa, thanh mát, thơm nhẹ nhàng, pha thêm chút đá sẽ rất ngon. Nhờ có siro vải nên cả năm tôi được thưởng thức hương vị quả vải", chị Tầm nói. Đối với người dân Thanh Hà, quả vải thiều còn có nhiều giá trị khác như dùng làm vị thuốc chữa bệnh, không bỏ phí một phần nào từ cùi đến hạt. Năm 2020, có một số người đã phải mua hạt vải qua mạng xã hội với giá hàng triệu đồng/kg. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết từ quả vải có thể chế biến thành nhiều sản phẩm hữu ích khác mang giá trị cao gấp nhiều lần. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với một số doanh nghiệp chế biến nông sản, kêu gọi họ đầu tư chế biến vải thành nhiều sản phẩm khác. Đây cũng là một hướng đi mới cho quả vải, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khai thác tốt tiềm năng tiêu thụ trong nước vào vụ sau.