Đa dạng thị trường, giảm phụ thuộc Trung Quốc
Các doanh nghiệp lữ hành trong nước không cảm thấy bất ngờ với việc Trung Quốc chưa chọn Việt Nam là nơi để đưa khách đi tua. Nhờ có sự chuẩn bị trước việc xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp lữ hành vẫn giữ được đà phục hồi và tăng trưởng sau dịch.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện cho Công ty Du lịch lữ hành TST Tourist cho biết việc Trung Quốc chưa mở cửa để cho du khách tới Việt Nam hoàn toàn không phải là vấn đề lớn đối với những người làm du lịch tại TPHCM. “Không chỉ với Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng muốn thu hút du khách Trung Quốc, đặc biệt là các du khách chất lượng cao. Nhưng sau đại dịch, du lịch của cả hai bên cần có thời gian để phục hồi. Du lịch Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng chưa phải quá quan trọng để doanh nghiệp du lịch Việt Nam tập trung hướng tới. Chúng tôi còn những thị trường khách quan trọng có thể bù đắp”, ông Mẫn cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hoàng Tuân, đại diện Công ty du lịch THD Travel nói rằng, ngay cả khi khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch trở lại thì thị trường cũng chưa thể khôi phục ngay lập tức: “Đất nước mở cửa trở lại sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngành du lịch Trung Quốc xuất hiện nhiều thay đổi, từ nhu cầu của du khách, chất lượng dịch vụ xuống cấp cho đến nguồn nhân lực hạn chế… Điều này cũng khiến các đơn vị lữ hành Việt cần có thời gian khắc phục và phục hồi thị trường khách tiềm năng này".
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc công ty Lữ hành Vietluxtour, tỷ lệ nguồn khách chính của Vietluxtour đến từ là châu Âu, Mỹ, Úc... Khách đến từ thị trường Trung Quốc (lục địa) chiếm tỷ lệ không cao, do đó trong giai đoạn này, công ty chưa bị ảnh hưởng gì nhiều. Tương tự thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, việc phục hồi thị trường Trung Quốc sẽ diễn ra từ từ, còn những khó khăn nhất định. Do đó, giai đoạn tới chủ yếu khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh, chưa nhiều khách du lịch tới từ Trung Quốc.
Tập trung vào những thị trường mới
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, sau đại dịch TST Tourist tập trung hướng tới những thị trường quen thuộc từ trước như Thái Lan, Singapore, Mỹ, Australia… Ngoài ra TST còn đang mở rộng sang thị trường Ấn Độ. Du lịch Việt Nam hiện đang có lợi thế là xu thế du lịch đang được dịch chuyển tới Ấn Độ, khi mà các doanh nghiệp lữ hành tại Ấn Độ cũng đang hướng tới các thị trường mới, trong đó có Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, khách Trung Quốc, luôn đông nhất nhưng chưa bao giờ là thị phần ổn định, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng thất thường.
“Phải chủ động, cơ cấu thị phần phù hợp; ưu tiên các thị phần ổn định, chi tiêu cao; không nên tập trung vào vài thị phần nhất định. Khẩn trương nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, cải tiến thủ tục, đơn giản thủ tục visa, mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thị thực; cạnh tranh với các nước khu vực. Trước sau gì, du lịch Trung Quốc cũng phải mở cửa đại trà. Thế giới phẳng, các nước đều phụ thuộc lẫn nhau, không thể tự làm theo ý mình mãi”, ông Mỹ nêu ý kiến.
Trong năm 2022 Saigontourist Group đã tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, hội chợ xúc tiến du lịch ở các nước, như đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch tại Mỹ, tham gia Hội chợ xúc tiến du lịch IFTM Top Resa tại Pháp, tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia tại Singapore; tham dự Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; tham dự Hội chợ WTM London 2022 tại Vương quốc Anh… “Gần như ngay sau thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam, Saigontourist Group đã kích hoạt các chương trình xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác để thúc đẩy phát triển du lịch đa phương cũng như đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đa quốc tịch đến Việt Nam”,
Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Saigontourist Group
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-dang-thi-truong-giam-phu-thuoc-trung-quoc-post1509818.tpo