Đa dạng thị trường lao động, kết nối cung - cầu

Để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, toàn tỉnh đã và đang dốc lực phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Người lao động tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm huyện Tây Hòa. Ảnh: KIM CHI

Người lao động tìm hiểu thông tin tại phiên giao dịch việc làm huyện Tây Hòa. Ảnh: KIM CHI

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 25.500 lao động. Trong đó, tạo việc làm mới tăng thêm 5.000 lao động, đưa 450 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng bộ các giải pháp

Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTB&XH), đến nay các chỉ tiêu trên cơ bản đều đạt. Toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định hoạt động doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho NLĐ.

Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức tư vấn, tạo việc làm cho NLĐ. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu thập thông tin việc làm trên địa bàn tỉnh, phục vụ kết nối cung - cầu lao động ở địa phương; dự báo thông tin thị trường lao động hằng quý...

Để đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ cho NLĐ tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về việc làm, giải quyết nhiều điểm tắc nghẽn, vướng mắc để tạo điều kiện cho NLĐ tham gia tìm kiếm việc làm một cách thuận lợi.

Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH) cũng đã đẩy mạnh các hoạt động, như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và NLĐ gặp gỡ, trao đổi cung - cầu lao động, tìm kiếm việc làm phù hợp. Đồng thời tổ chức các hội nghị tuyên truyền hoạt động tư vấn - giới thiệu việc làm, tạo chuyển biến trong công tác giải quyết việc làm cho NLĐ tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH) Cao Tấn Trường cho biết: Cùng với đẩy mạnh công tác dạy nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, như mở các lớp dạy lái xe, chế biến món ăn, chăm sóc da…, trong năm 2024, trung tâm đã tổ chức hơn 40 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội chợ việc làm. Đồng thời phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các địa phương tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; tư vấn tại hộ gia đình; tư vấn cho gần 16.500 lượt lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó tìm kiếm nguồn lao động phù hợp để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

Còn ông Lê Vĩnh Thái, Trưởng phòng LĐTB&XH TX Đông Hòa, cho hay từ đầu năm đến nay, các đơn vị kinh doanh, sản xuất tại KCN Hòa Hiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ thu hút tạo việc làm cho hơn 2.500 NLĐ, đạt chỉ tiêu tỉnh giao.

Chị Bùi Thị Oanh trước đây làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, sau đại dịch COVID-19 chị nghỉ việc về quê ở Đông Hòa và trở thành người thất nghiệp, chia sẻ: Thời gian đầu nghỉ việc tôi chưa biết làm gì thì địa phương có thông báo mở lớp chăm sóc da cho nữ do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với TX Đông Hòa mở tại địa phương. Tôi mạnh dạn đăng ký và mong có cơ hội sớm tìm được việc làm mới, gần nhà.

Hay như ông Bùi Đức Dũng, khu phố Nam Bình 1, phường Hòa Xuân Tây, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX Đông Hòa cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho gia đình. Ông Dũng cho biết, ngoài việc nuôi bò, ông còn làm ruộng và làm mướn cho bà con nông dân xung quanh. Nhờ vậy mà có đồng ra đồng vào, cuộc sống gia đình ổn định.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu tiên tập trung cho vay ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn... giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay phù hợp. Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 2%; góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, tạo việc làm cho lao động, ổn định cuộc sống người dân địa phương”, ông Thục cho biết thêm.

Người lao động làm việc tại Công ty CP An Hưng. Ảnh: KIM CHI

Cung ứng kịp thời

Cũng theo Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTB&XH) Nguyễn Tài Soa, để phát triển thị trường lao động, đối với các địa phương, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về việc làm, việc nắm bắt cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động để đánh giá và kết nối thị trường lao động là không thể thiếu. Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện ghi chép, cập nhật thông tin lực lượng lao động của từng hộ gia đình, cập nhật thông tin của toàn bộ doanh nghiệp có thuê mướn lao động trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã phát triển thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người cho các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện các hoạt động thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời mời các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động tham gia các sàn/phiên giao dịch việc làm tổ chức tại địa phương để tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tỉnh đã hỗ trợ lao động địa phương tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Đặc biệt, hỗ trợ thanh niên, NLĐ còn thiếu việc làm của địa phương tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng tại các đơn vị, doanh nghiệp uy tín trong nước và ở nước ngoài.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng

Sở LĐTB&XH cũng đã phối hợp với Ban Quản lý KKT tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại pháp luật về lao động cho lao động trong các KCN với hàng ngàn NLĐ tham gia… Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lao động liên tục và kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh; thường xuyên cập nhật thông tin về việc làm mới, việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Bằng nhiều giải pháp thiết thực, tỉnh đã hỗ trợ lao động địa phương tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Đặc biệt, hỗ trợ thanh niên, NLĐ còn thiếu việc làm của địa phương tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng tại các đơn vị, doanh nghiệp uy tín trong nước và nước ngoài. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả cung - cầu lao động và tăng cường công tác giải quyết việc làm, Sở LĐTB&XH cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp với từng địa bàn, trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố, để tạo điều kiện cho NLĐ được tiếp cận nắm bắt thông tin về việc làm, thị trường lao động, từ đó định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đồng thời đề ra các giải pháp mở rộng thị trường đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

NGỌC MINH - HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/323248/da-dang-thi-truong-lao-dong-ket-noi-cung-cau.html