Đa dạng tuyên truyền về giáo dục pháp luật

Những năm gần đây, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đạt được kết quả này là do các cấp, các ngành tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng và giữ vai trò quan trọng.

Phần thi của các học sinh khối trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đan Phượng tại hội thi Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông. Ảnh: Lê Dung

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo trung ương, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, tổ chức các chương trình, đề án, kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nội dung phổ biến pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách mới được sửa đổi, bổ sung, vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Hình thức tuyên truyền cũng tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Điển hình là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa tăng cường phổ biến pháp luật trực tiếp, nội dung đơn giản, dễ hiểu. Còn ở Hà Nội, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú cho biết, giải đáp pháp luật qua đường dây nóng; thi tìm hiểu pháp luật là một trong những thế mạnh của Thủ đô nhiều năm qua, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố tham gia như thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến. Tương tự, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng tập trung tuyên truyền pháp luật qua mạng với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, trang thông tin điện tử; tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Tỉnh Đồng Tháp nổi bật là tư vấn pháp luật qua sóng truyền hình, trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng…

Với hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu dân cư, hộ gia đình với nội dung là các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, các vấn đề nóng như đất đai, hôn nhân gia đình, môi trường sống…

Theo ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), trước yêu cầu đổi mới về chất và mục tiêu bảo đảm tính bền vững của công tác phổ biến pháp luật, việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, kiểm sát viên, kể cả đã về hưu tham gia công tác tuyên truyền tiếp tục được xác định là giải pháp đúng đắn, cần thiết, cần được tiếp tục thực hiện trọng tâm, trọng điểm và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Trong bối cảnh kinh phí Nhà nước cấp có hạn, cũng cần huy động nguồn lực xã hội đối với hoạt động này, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Song song đó, luôn không ngừng đổi mới để có các cách phổ biến pháp luật hay, hiệu quả.

Đồng tình với các giải pháp trên, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần rà soát, tổng kết, đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến pháp luật để nghiên cứu nhân rộng. Một giải pháp tốn ít kinh phí nhưng khá hiệu quả được nhiều địa phương áp dụng là thành lập các tổ nòng cốt để tập hợp người dân có trình độ làm công tác tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác hòa giải. Bộ Tư pháp cần tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm công tác này, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra công tác phổ biến pháp luật. Các cơ quan đơn vị cũng cần xác định đúng đắn, đầy đủ vai trò tham mưu quản lý nhà nước gắn với điều phối các hoạt động của ngành Tư pháp, của tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp trên nguyên tắc công tác phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mới có thể đạt mục tiêu chung tay xóa nghèo pháp luật và đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/983065/da-dang-tuyen-truyen-ve-giao-duc-phap-luat