Đa dạng ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng bảo hộ giống để tăng giá trị sản phẩm

Ngày 8.6 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm một số địa điểm trồng vải thiều xuất khẩu, măng Lục Trúc trên địa bàn huyện. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, để tăng giá trị cho nông sản, cần phải xây dựng và quảng bá thương hiệu hiệu quả, đa dạng ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh xây dựng bảo hộ giống.

Mùa vải được mùa, được giá

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng Đoàn công tác đã đi thăm vùng sản xuất vải xuất khẩu đi châu Âu, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa. Hiện tổng diện tích vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 380 ha/1.340 ha vải toàn huyện. Trong đó có 25 ha vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, với sản lượng trên 400 tấn. Đã có 6 doanh nghiệp vào địa bàn ký hợp đồng tiêu thụ, giá cam kết là 35.000 đồng/kg.

Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện thu hoạch được khoảng 11.215 tấn (đạt 68%), giá trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Trong đó sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 2.804 tấn; còn lại được tiêu thụ trong nước thông qua các HTX, chợ đầu mối, siêu thị, các trung tâm thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến vụ này, riêng xã Phúc Hòa thu từ 250 - 300 tỷ đồng từ vải thiều, cao nhất từ trước đến nay.

Tiếp đến, Đoàn công tác đi thăm vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa một vụ không ăn chắc sang trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Đìa, xã Phúc Hòa. Người dân đã tập trung chuyển đổi toàn bộ 250 ha diện tích cấy lúa một vụ không ăn chắc sang trồng vải thiều. Ngoài giống vải thiều sớm đang được trồng phổ biến tại địa phương thì bà con nông dân ở đây đã đưa thêm giống vải U Trứng vào trồng xen canh. Đây là giống vải có ưu điểm vượt trội là chín muộn hơn vải thiều sớm từ 7 đến 10 ngày, góp phần đảm bảo rải vụ, giảm áp lực thu hoạch cũng như đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Qua kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phấn khởi bởi vải thiều sớm năm nay vừa được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi, mang lại thu nhập cao cho bà con trồng vải. Chất lượng vải thiều năm nay đảm bảo vượt trội do bà con nông dân đã làm chủ kỹ thuật, áp dụng tốt quy trình sản xuất GlobalGAP đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tân Yên tiếp tục mở rộng vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ để nâng cao chất lượng vải thiều, mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác đồng thời đáp ứng xu thế người tiêu dùng hiện nay và đặc biệt là nâng cao giá trị nông sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm vùng vải xuất khẩu đi châu Âu tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm vùng vải xuất khẩu đi châu Âu tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh phải xây dựng Phúc Hòa trở thành “Thủ phủ vải thiều” của huyện. Muốn vậy, trước hết huyện cần quan tâm mở rộng đường giao thông để ô tô trọng tải lớn có thể vào được tận vườn thu mua. Vải thiều hữu cơ Tân Yên chất lượng tương đối ngon nhưng thị trường chưa phân biệt được loại vải này với loại thông thường.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, đặc biệt là việc đưa giống vải thiều U trứng vào trồng. Nhấn mạnh đến những ưu việt của giống vải U trứng trồng tại xã Phúc Hòa như quả to (từ 17 - 20 quả/kg), tròn, mẫu mã đẹp, hấp dẫn, càng chín càng nhỏ hạt phù hợp với thị hiếu người dân châu Âu, rất lý tưởng để đóng hộp (2 kg/hộp) xuất khẩu. Chủ tịch UBND Lê Ánh Dương chỉ đạo huyện Tân Yên nghiên cứu để nhân rộng diện tích vải này. Hiện tại cả xã mới có khoảng 5 ha trồng rải rác ở thôn Đìa, chưa tập trung thành vùng. Cùng đó xây dựng thương hiệu, tên riêng cho giống vải U trứng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng Đoàn công tác thăm vùng sản xuất măng Lục Trúc hữu cơ ở thôn Trại Mới, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng Đoàn công tác thăm vùng sản xuất măng Lục Trúc hữu cơ ở thôn Trại Mới, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên.

Xây dựng sản phẩm măng như một sản phẩm đặc sản riêng của vùng

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác đã đến thăm HTX măng Lục Trúc Lâm Sinh Ngọc Châu và vùng sản xuất măng Lục Trúc hữu cơ (thôn Trại Mới, xã Ngọc Châu). Đây là sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Sản phẩm gồm măng tươi, măng khô, măng ngâm ớt được các đối tác thu mua đưa vào siêu thị, nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội Huế, Đà Nẵng và xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, măng Lục Trúc là giống măng mang tính đặc sản địa phương, có chất lượng ngon, ngọt vượt trội hơn hẳn các loại măng khác. Chình vì thế, huyện Tân Yên cần quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho Ngọc Châu, mở rộng diện tích tại một số vùng khác. Hiện tại HTX mới liên kết trồng được 80 ha, mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn măng tươi, giá 80 nghìn đồng/kg.

Ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh, măng Lục Trúc ngon ngọt, ít chất xơ, nhiều thịt, ăn rất ngon, sản phẩm hữu hiệu cho sức khỏe, đây là sản phẩm chất lượng nhưng lại rất ít người biết đến chính vì thế huyện cần phải xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả, phải xây dựng sản phẩm măng như một sản phẩm đặc sản riêng của vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện phải đa dạng ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh xây dựng bảo hộ giống. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ rõ vì sao măng lại có chất lượng vượt trội, xây dựng những câu chuyện cho sản phẩm để tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Để tăng giá trị thì cần phải chế biến sâu, hạn chế tiêu thụ ở dạng tươi. Phòng Nông nghiệp và PTNT có thể nghiên cứu đề tài khoa học riêng về cây măng Lục Trúc. Cần xây dựng măng Lục Trúc là đặc sản của Tân Yên. Đặt mục tiêu bán măng với giá đặc sản chứ không phải giá rau sạch như hiện nay.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay huyện Tân Yên có rất nhiều nông sản mạnh, nhiều nông sản khác sản xuất tại Tân Yên chất lượng rất tốt nhưng chưa chú trọng khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu, bao bì mẫu mã, không hấp dẫn người mua, dẫn đến giá trị không cao, tiêu thụ không được nhiều. Điển hình như Sâm núi Dành, mỳ Châu Sơn,... Huyện cần nghiên cứu để áp dụng khoa học công nghệ, làm tốt khâu xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu với tất cả các nông sản khác của địa phương để gia tăng giá trị cho sản phẩm và hấp dẫn, thu hút khách hàng hơn.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/da-dang-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-xay-dung-bao-ho-giong-de-tang-gia-tri-san-pham-i291575/