Da đầu thường tróc vảy, mẩn đỏ - nguyên nhân và cách điều trị

Nhiều người thường phàn nàn: 'Da đầu tôi rất nhiều gầu và bị tróc vảy, để lại những vết đỏ. Giờ tôi phải làm gì, có biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?'

Viêm da tiết bã là gì?

Bệnh có rất nhiều tên gọi khác nhau như: viêm da tiết bã, chàm tiết bã, viêm da tiết bã nhờn, viêm da dầu, “cứt trâu” (đối với trẻ em)…

Bệnh viêm da tiết bã khiến cho da bị tổn thương bởi dát đỏ, trên có vảy da khô ở vùng da tiết nhiều dầu như da đầu, da mặt, phần trên của thân mình.

Viêm da tiết bã là bệnh lý mạn tính (ảnh minh họa)

Viêm da tiết bã là bệnh lý mạn tính (ảnh minh họa)

Những ai dễ mắc bệnh viêm da tiết bã?

Bệnh viêm da tiết bã thường xuất hiện ở 2 đối tượng:

- Trẻ nhỏ: Ở độ tuổi này, viêm da tiết bã ở dạng mảng hồng ban hơi vàng với vảy bã, có thể rất dày và dính. Các mảng rải rác hoặc riêng rẽ trên mặt và ngực. Thương tổn lan tỏa ở da đầu và vùng tã lót.

- Người lớn (chủ yếu từ 30 đến 60 tuổi): Ở độ tuổi này, viêm da tiết bã có thể ở dạng viêm da đầu nhẹ, viêm mi mắt, viêm da dầu dạng vảy phấn, viêm da dầu tại nếp gấp, viêm nang lông do nấm malassezia furfur, đỏ da toàn thân tróc vảy.

Nguyên nhân bệnh viêm da tiết bã

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy viêm da tiết bã do tương tác của nhiều yếu tố như:

- Tính di truyền, trong gia đình nếu có người thân mắc bệnh hoặc gần nhất là bố mẹ thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

- Tuyến bã hoạt động quá mức.

- Do nấm malassezia furfur. Đây là loại nấm ký sinh tìm thấy trên da người, chúng phát triển ở những vùng da nhờn nhiều, gây giảm chức năng miễn dịch cho da, gây ra các phản ứng viêm cho da, làm hình thành các vảy ngứa trên da.

- Căng thẳng, mệt mỏi, thay đổi môi trường sống, thời tiết khắc nghiệt, thay đổi nội tiết tố, dinh dưỡng không hợp lý.

- Cơ địa nhạy cảm của người bệnh

Đối với trường hợp nhẹ, bạn có thể điều trị bằng cách dùng loại dầu gội trị gàu phù hợp với da đầu. Trường hợp nặng: ngứa, rát đỏ, tróc vảy, bạn cần phải sử dụng thêm các loại thuốc bôi và thuốc uống mới có thể kiểm soát được bệnh.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-dau-thuong-troc-vay-man-do-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-n183390.html