Đã đến lúc chấm dứt thời đại của streetwear?
'Xu hướng thời trang đường phố, tôi tin sẽ sớm chấm dứt', lời chia sẻ của Giám đốc sáng tạo Louis Vuitton - Virgil Abloh.
Vài năm gần đây, trên các sàn diễn lớn nhỏ khác nhau, những thiết kế mang hơi hướm streetwear (thời trang đường phố) xuất hiện dày đặc. Nhiều nhà mốt vốn từng nổi tiếng với tư tưởng bảo thủ như Louis Vuitton hay Balenciaga cũng bắt đầu liều lĩnh hơn trong việc lựa chọn chuyên gia thời trang streetwear nắm giữ vị trí Giám đốc sáng tạo cho hãng.
Streetwear không còn là xu hướng tạm thời, nó được xem như sự rẽ hướng kinh doanh bắt buộc phải làm của các hãng thời trang vì khách hàng Millennials đang chiếm ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, trong thập niên 2020 khán giả nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, khi các "ông trùm" streetwear bắt đầu thay đổi sang các thiết kế mang giá trị lưu trữ, bỏ bớt chất đường phố trên sàn diễn. Phải chăng streetwear đã đến giai đoạn kết thúc?
Streetwear là gì?
Bắt nguồn từ năm 1980, trào lưu streetwear hiện hữu trong những câu lạc bộ trượt ván. Các thành viên thường tạo cho mình một phong cách riêng, để người đối diện nhận ra họ là ai.
Thời điểm đó, streetwear được định nghĩa là những người đam mê trượt ván, diện trang phục mang tinh thần đường phố đặc trưng như sneakers, hoodie, áo thun in họa tiết... Phong cách streetwear mang sự đa dạng khi nó có thể là biến thể từ active-wear (thời trang thể thao), army-wear (đồ lính), polo... cho đến những món đồ chịu ảnh hưởng của văn hóa hip-hop, urban hay skateboarding...
Hiểu được mong muốn của dân skater, Stüssy đã sáng tạo các thiết kế áo thun in những chữ viết nguệch ngoạc mang âm hưởng đường phố. Thương hiệu đã tạo sự tin tưởng, giúp giới trẻ biết đến nhiều hơn về streetwear.
Sinatra Jr. chia sẻ với Complex: "Đó là sự khởi đầu từ Stüssy, một thương hiệu đã định nghĩa về streetwear". Stüssy không tạo ra nền văn hóa thời trang đường phố, nhưng họ biết cách gắn kết những người đam mê lại với nhau.
A Bathing Ape, AAPE (Nigo) cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển làn sóng streetwear. "Nếu Stüssy mở đầu cho kỷ nguyên về trang phục đường phố, thì Bape lại mang tầm ảnh hưởng đến thế giới", Paul Mittleman - Giám đốc sáng tạo của hãng chia sẻ với Marx.
Sự kết nối với phong trào hip-hop là chìa khóa dẫn tới thành công của streetwear bởi quần áo giúp người mặc thể hiện được niềm đam mê của bản thân.
Sự thành công của nền văn hóa streetwear
Vào năm 2017, công ty Bain & Company thực hiện báo cáo về sự sang trọng của người tiêu dùng, họ nhận thấy thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu quan tâm đến văn hóa streetwear. Sự mở rộng khoảng 10% thị trường sneakers cao cấp trong giai đoạn năm 2016 - 2017 đạt 3.5 tỷ euro; và sản phẩm áo thun mở rộng 25% thì trường cũng đạt doanh thu 2.5 tỷ euro. Federica Levato, nhân viên Bain & Company chia sẻ: "Có hai yếu tố dẫn đến điều này đó là xu hướng bình thường hóa những thiết kế trang phục đắt tiền và sự quan trọng của thế hệ Millennials".
Tệp khách hàng thuộc ở độ tuổi 8X trở xuống ngày càng đông. Đây là nhóm người tiêu dùng đặc biệt không thích những gì quá cổ điển và cứng nhắc, muốn sở hữu những món đồ có tính ứng dụng cao mà vẫn sang trọng, thích chạy theo xu hướng độc lạ. Chính những điều đó góp phần cho sự bùng nổ của streetwear, thúc đẩy doanh số các mặt hàng xa xỉ tăng 5% (khoảng 309 tỷ đôla Mỹ trong năm 2018).
Trong quý III năm 2018, nhiều thương hiệu mới góp mặt vào danh sách bình chọn của Lyst đều là thời trang đường phố: Off-White, Stone Island, Moncler và Raf Simons. Đây cũng là lần đầu tiên những cái tên này được sánh ngang hàng với nhiều nhà mốt lâu đời. Sự gia nhập của Abloh vào thương hiệu lớn trong tập đoàn LVMH được nhận xét là bước ngoặt lớn cho nền công nghiệp thế giới. Thay vì tiếp tục đi theo "con đường" của những thiết kế mang tính truyền thống, Louis Vuitton lại định vị thương hiệu bằng màu sắc thời trang phóng khoáng.
Abloh là một trong những nhà mốt đầu tiên hiểu được tầm quan trọng khi gắn kết thời trang đương đại không còn xoay quanh những thiết kế biểu tượng. "Phong cách thời trang mà tôi làm chính là hướng đến thế hệ trẻ. Những sản phẩm đều giống như Haute Couture nhưng mang hơi thở hiện đại hơn. Đó chính là văn hóa của sự pha trộn", nhà thiết kế chia sẻ trong bài phỏng vấn với Slam Jam Socialism.
Sự chuyển dịch của thời đại streetwear
Đó là câu chuyện của những năm về trước, khi streetwear mở ra kỷ nguyên mới cho ngành thời trang đương đại. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019 "Ông hoàng" của thời trang đường phố Virgil Abloh chia sẻ cảm nhận trong bài phỏng vấn với Dazed: "Xu hướng thời trang đường phố? Tôi tin sẽ sớm chấm dứt. Đã đến lúc tôi muốn quay lại với những giá trị lưu trữ".
Câu nói của anh không nhằm để đánh bóng tên tuổi, mà là nhìn nhận thật sự về streetwear trong thập niên mới. BST Thu - Đông 2020 của Louis Vuitton và Off-White là minh chứng rõ ràng nhất, khi các thiết kế đường phố được chuyển dịch, biến tấu bằng những bộ suit cắt may chỉn chu mang màu sắc cao cấp hơn, xuất hiện hàng loạt trên sàn diễn.
Đâu đó, những người nằm ngoài vòng quay của nền văn hóa streetwear cũng nhìn thấy các tông màu trở nên tối giản và các thiết kế cũng bớt đi chất đường phố vốn có, mà thay bằng loạt kiểu đồ làm bằng chất liệu da được cắt may theo bất đối xứng.
Thậm chí, trên sàn diễn Louis Vuitton cũng được sáng tạo để dành riêng cho dòng thời trang may đo cao cấp. Virgil Abloh nói đúng khi bản thân không còn đặt nặng chất đường phố, mà phải thay đổi để tiếp những bước đi trên con đường khẳng định sự đẳng cấp của mình. Nhà thiết kế bắt buộc thay đổi vì đến một lúc nào đó thế hệ Millennials cũng phải trưởng thành.
Virgil Abloh không đột ngột chuyển đổi chất đường phố sang một hướng đi khác, mà là sự chậm rãi để truyền nguồn năng lượng mới mang giá trị lưu trữ cho người tiêu dùng. Sự tái định vị hình ảnh của Off-White là một trong những tín hiệu đầu tiên mà anh muốn người hâm mộ tập cách chấp nhận với thực tại.
Không chỉ riêng Giám đốc sáng tạo Louis Vuitton, Balenciaga cũng có sự chuyển dịch trong BST Xuân - Hè 2020, khi chiếc trench coat tông màu đen được cắt may chỉn chu hơn hay những bộ suit và quần tây cũng chiếm nhiều thay thế kiểu thiết kế hoodies, quần jeans hay áo thun in chữ.
Vẫn còn quá sớm để có thể nói trước về sự chuyển động hay chấm dứt của streetwear trong ngành thời trang xa xỉ. Có thể sự thay đổi rất khó khăn, nhưng streetwear không chết vì đó là cả một nền văn hóa. Nó chỉ đang chuyển sang giai đoạn mới, một sự trưởng thành và chỉn chu hơn trên con đường quay lại những giá trị lưu trữ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-den-luc-cham-dut-thoi-dai-cua-streetwear-post1064618.html