Đã đến lúc coi ma túy là 'Giặc nội xâm'
Vụ người đàn ông có tiền sử nghiện ma túy, truy sát 6 người thương vong ở Thái Nguyên là hồi chuông cảnh tỉnh xã hội.
Mấy ngày nay, người dân thôn Lương Bình 2, xã Sơn Phú (Định Hóa, Thái Nguyên) không ngủ được vì phải ngược xuôi lo tang lễ cho 5 nạn nhân xấu số trong vụ thảm án kinh hoàng xảy ra tại đây. Không khí tang thương bao trùm lên xóm nghèo miền núi khi chỉ cách nhau vài chục mét mà có tới 4 gia đình tổ chức tang lễ cho người thân.
Phải coi "ngáo đá" là thành phần nguy hiểm của xã hội
Trước đó, khoảng 5h ngày 26/12, đối tượng Hoàng Văn Chín, người địa phương đã dùng dao chém tử vong 5 người, trong đó có vợ Chín là chị Ma Thị Hường (SN 1976). Tại cơ quan công an, đối tượng Chín thừa nhận nghiện ma túy, nhiều lần sử dụng heroin và ma túy đá. Nhiều tháng nay đối tượng bị mất ngủ khiến tâm lý bất ổn và luôn cảm thấy hoang mang khó chịu. Sáng sớm 26/12, đối tượng nghe thấy vợ càu nhàu đòi bỏ nhà đi. Lên cơn nóng giận và mất kiểm soát, đối tượng Chín cầm búa đánh vào đầu khiến vợ tử vong. Sau đó, trên quãng đường ra khỏi nhà Chín tiếp tục dùng dao chém khiến thêm 4 nạn nhân là họ hàng, làng xóm tử vong tại chỗ.
Đây chưa phải vụ án điển hình do người nghiện ma túy, hay có biểu hiện “ngáo đá” gây ra. Trước đây, dư luận từng hoang mang trước vụ "ngáo đá" thả rơi con ruột từ mái nhà xuống đất; "ngáo đá" sát hại người yêu vì tưởng nhầm yêu quái; “ngáo đá” sát hại bố mẹ ruột và vợ. Hay vụ ca sĩ Châu Việt Cường lên cơn "ngáo" sát hại một cô gái vì nhầm là “bà cô tổ”,...
Những ngày này, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên vẫn đang xét xử lưu động vụ 7 đối tượng nghiện ma túy, bắt cóc, hãm hiếp tập thể nhiều ngày, rồi ra tay sát hại nữ sinh giao gà. Vụ án này đến giờ này vẫn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng vì mức độ tàn ác của các đối tượng. Xác định rõ hành vi phạm tội của các đối tượng là đặc biệt nguy hiểm, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội ngày 27/12 trong bản luận tội đề nghị của VKSND tỉnh Điện Biên đã đề nghị 6 án tử hình đối với các bị cáo.
Liên quan đến các vụ án gần đây, theo các chuyên gia, vấn đề tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Thời gian gần đây, số vụ án do người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá tăng lên.
Thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước có 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong số người nghiện, nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm hơn 70%, thậm chí ở một số địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn (Đồng Nai: 87%; Đà Nẵng: 85%; An Giang: 76%...).
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Y Hà Nội, kết quả sơ bộ sàng lọc sức khỏe tâm thần cho hơn 300 thanh thiếu niên từ 16 đến 24 tuổi sử dụng ma túy cho thấy, có 58% bị trầm cảm. Các triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm quan tâm thích thú, chậm chạp, buồn chán. Tỷ lệ người có yếu tố tự sát là hơn 26%, có kế hoạch tự sát là hơn 12% và nghĩ đến tự sát là 6.3%.
Việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ma túy tổng hợp.
Liên quan đến vấn đề này, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, điểm chung của các vụ án do “ngáo đá” gây ra là diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được. Đối tượng gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; vợ giết chồng v.v... Tuy nhiên hiện nay, việc lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc có những khó khăn.
Phải coi nghiện ma túy là “Giặc nội xâm”
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, hiện nay đưa một người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua 6 bước và 4 cơ quan để tiến hành. Nhiều nội dung nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác nên rất khó thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Trong lộ trình Bộ đang tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và đề xuất sửa đổi có những biện pháp hữu hiệu hơn.
Từ thực tế công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, trao đổi với PV VOV.VN, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Cục phó Cục điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an cũng nhận định, hiện nay, việc quản lý người nghiện tại địa phương còn nhiều bất cập, trong đó, Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc rất nhiều vướng mắc.
“Theo Nghị định người nghiện ma túy phải có nơi cư trú ổn định. Cùng với đó, Nghị định 221 của Chính phủ cũng quy định Cơ quan y tế có thẩm quyền để xác định tình trạng nghiện nhưng thực tế người nghiện chỉ sợ Công an, còn lực lượng y tế khi xác định tình trạng nghiện lại cần có thời gian. Quá trình giữ người nghiện để xác định tình trạng nghiện lại không rõ ràng, các y bác sỹ lại sợ người nghiện trả thù. Bên cạnh đó, tại cộng đồng sinh sống cơ quan y tế lại quen biết, ở cùng địa bàn với người nghiện nên có rất nhiều trở ngại tâm lý”- Thượng tá Bình chia sẻ thêm.
Cùng với đó, theo Thượng tá Bình, sau khi lập hồ sơ người nghiện lại phải thông báo cho họ biết trước một khoảng thời gian rất lâu, sau đó, chuyển hồ sơ sang Tòa án. Quá quá trình làm như thế là không kịp thời so với tình trạng người nghiện gia tăng như hiện nay.
Hiện, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang tham mưu cho Chính phủ cùng Quốc hội sửa đổi nghị định 221 theo hướng có thể coi đây là Giặc nội xâm – đẩy tình huống cấp thiết hơn nữa để chúng ta có thể có giải pháp quyết liệt hơn nữa.
“Để khắc phục phần nào, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang chủ trì để đánh giá hiệu quả thực chất của vấn đề thay thế Methadone hay các chất đông y, kết hợp Tây y thay thế chất cai nghiện, Qua đó đánh giá chính xác hiệu quả phương pháp nào để nhận rộng lên mô hình này. Từ đó, trong thời gian sớm nhất có thể giảm cái tác hại của người nghiện cũng như gia tăng tình trạng gia tăng người sử dụng ma túy, cai nghiện thành công người nghiện ma túy”- Thượng tá Bình chia sẻ.
Thượng tá Bình cho hay, hiện nay một số địa phương như TPHCM, Đà Nẵng đang xử lý rất tốt vấn đề này và là điển hình để các tỉnh, thành khác học tập đó là thiết lập đường dây nóng khi phát hiện ra người sử dụng ma túy thì lập tức lực lượng công an, y tế cùng có mặt để phối hợp để xử lý.
“Theo Nghị định 221 chỉ quy định cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận và điều đó cũng làm khó khăn trong công tác xử lý ngay. Mong muốn của Cục CSĐT cũng như Bộ LĐTBXH là nên quy định rõ ràng chức năng, thẩm quyền cũng như trách nhiệm của cơ quan liên quan, để khi cơ quan nào không hoàn thành sẽ xử lý ngay”- Thượng tá Bình cho hay./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/da-den-luc-coi-ma-tuy-la-giac-noi-xam-994510.vov