Đã đến lúc nâng giá trị thương hiệu cà phê Việt

Cà phê là nông sản xuất khẩu chủ lực khi chiếm khoảng 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm liền vượt 3 tỷ USD. Mặc dù cà phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.

Vẫn ở “chiếu dưới”

Trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.

Cà phê Việt Nam vẫn có khoảng cách về giá trị xuất khẩu

Cà phê Việt Nam vẫn có khoảng cách về giá trị xuất khẩu

Các sản phẩm cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ), tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…

Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt (green bean), tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê.

Riêng với Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được hết sức quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400-500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch hàng hóa Luân Đôn, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới. Bên cạnh giống cà phê Robusta, Việt Nam còn sản xuất ra nhiều giống cà phê có hương vị ngon, đặc biệt như Culi, Abriaca (Catimor, Typica, Bourbon, Catuai), Cà phê Cherry (Liberica và Exelsa)... nhưng vẫn chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Cần được khai phá

Trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.

Cần chú trọng hơn đến phát triển các chuỗi cửa hàng cà phê

Cần chú trọng hơn đến phát triển các chuỗi cửa hàng cà phê

Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Cụ thể, 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%.

Trong đó, cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trong công tác nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường, tổ chức lại xuất khẩu..., cùng sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác quảng bá, marketing, định vị thương hiệu giúp các sản phẩm cà phê của Việt Nam bước đầu khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, dù cà phê đã có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh. Đặc biệt là sự lũng đoạn các nhãn hiệu cà phê của châu Âu - Mỹ như các chuỗi cửa hàng cà phê của McCafe (Mỹ), Costa Coffee (Ý), Tim Hortons (Canada)...

Để cà phê Việt vươn mình ngang hàng với các cường quốc cà phê như Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ, đặc biệt về giá trị xuất khẩu, cần các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa trong việc nâng cao uy tín sản phẩm, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ và các chuẩn mực quốc tế về nông sản hữu cơ. Đặc biệt là xây dựng chiến lược đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng bằng các chuỗi cửa hàng cà phê trên khắp thế giới. Đây chính là khâu quan trọng nhất cả về lợi nhuận lẫn xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/da-den-luc-nang-gia-tri-thuong-hieu-ca-phe-viet-553113.html