Đã đến lúc phải ưu tiên làm sống lại các 'dòng sông chết'
Theo đánh giá của các Tổ chức quốc tế, mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ đạt mức 2/5.
Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” đã đến lúc phải xem là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước thời gian qua là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội chất vấn vào sáng 4/6, với người trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Gửi báo cáo tới các vị đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh nêu, Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 13 sông lớn; 392 sông, suối liên tỉnh và 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng lượng nước trung bình nhiều năm của Việt Nam khoảng 935,9 tỷ m3/năm.
Tổng lượng nước bình quân trên đầu người khoảng 9.589 m3/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì chỉ đạt 4.421 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á (4.900 m3/người/năm).
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), điển hình như mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua, xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.
Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4/2024 khoảng 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5/2024 khoảng 11 tỷ m3 thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%.
Theo Bộ trưởng, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đều theo không gian và thời gian. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504,4 tỷ m3, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm; mùa cạn kéo dài 7-9 tháng chỉ chiếm khoảng 28%.
Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian, rừng đầu nguồn bị suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông…
Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nước tăng nhanh chóng: bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm.
Trong khi đó thì ô nhiễm nguồn nước gia tăng, Suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở nhiều dòng sông, đoạn sông (hạ lưu các sông chính như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba,...; ở hạ lưu hàng trăm các hồ chứa thủy điện, thủy lợi).
Đáng chú ý, theo đánh giá của các Tổ chức quốc tế, mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ đạt mức 2/5 (trong khi đó ở Indonesia đạt mức 3/5, Hàn Quốc và Úc đạt 4/5 là mức cao nhất thế giới năm 2020).
Báo cáo của Bộ trương cũng nêu giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo đó, từ năm 2025, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.
Phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” đã đến lúc phải xem là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng, theo Bộ trưởng.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm “sống lại” các dòng sông.