Đã đến lúc Phố Wall 'mua đáy'?
Khi Mỹ đứng trước cuộc khủng hoảng trần nợ hồi năm 2011, chỉ số S&P 50 giảm hơn 16% trong khoảng 5 tuần. Nhưng đến cuối năm, chỉ số này đã phục hồi hoàn toàn.
Theo CNN, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là thảm họa với nền kinh tế. Hàng triệu việc làm bị ảnh hưởng, chi phí đi vay tăng vọt, phúc lợi xã hội không được trả đúng hạn.
Nhưng đối với những đầu tư muốn "mua đáy, bán đỉnh", viễn cảnh này không hẳn là ngày tận thế.
Các thị trường gần như không quan tâm đến trần nợ, dù chính phủ Mỹ đã đạt giới hạn này vào tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính phải sử dụng những công cụ kế toán đặc biệt nhằm giữ nợ công ở dưới mức trần tới đầu tháng 6.
Cơ hội "mua đáy"
Mới đây, theo CNBC, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông đã có một cuộc họp “hiệu quả” và “chuyên nghiệp” với Tổng thống Joe Biden. Nhưng cả hai không đạt được thỏa thuận về trần nợ hôm 22/5.
Nếu các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa thuận vào tuần cuối cùng của tháng này, thị trường chứng khoán sẽ chao đảo.
S&P 500 đã giảm hơn 16% trong khoảng 5 tuần vào năm 2011. Thời điểm đó, Mỹ thoát được một vụ vỡ nợ vào phút chót, nhưng nước này vẫn bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Mọi người có thể lãi đậm nếu mua vào trong thời kỳ thị trường suy yếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tiếc nuối vì không mua thêm cổ phiếu với giá thấp trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch.
Bà Callie Cox - nhà phân tích đầu tư của eToro (Mỹ)
Đáng nói, chỉ 2 tháng sau khi bị hạ xếp hạng, S&P 500 đã bật tăng và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm.
Nói với CNN, các chuyên gia cho rằng sau khi vấn đề về trần nợ để giải quyết, thị trường sẽ phục hồi.
"Mọi người có thể lãi đậm nếu mua vào trong thời kỳ thị trường suy yếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tiếc nuối vì không mua thêm cổ phiếu với giá thấp trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch", bà Callie Cox - nhà phân tích đầu tư của eToro (Mỹ) - nói với CNN.
Dù vậy, bà cảnh báo các nhà đầu tư không nên đánh giá thị trường "trong môi trường chân không". Bởi vẫn còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến biến động của thị trường.
"Rất nhiều áp lực khác nhau đang đè nặng lên nền kinh tế. Theo một cuộc khảo sát mới đây, nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng trong năm ngoái bất chấp những dự báo về một cuộc suy thoái, nhưng may mắn sẽ không kéo dài sang năm nay", bà Cox cảnh báo.
Vẫn còn rủi ro
Theo báo cáo tài chính của các hãng bán lẻ lớn, người tiêu dùng Mỹ đang mua ít mặt hàng không thiết yếu hơn. Đây cũng là tín hiệu cho một cuộc suy thoái kinh tế.
"Các vị không nên đổ quá nhiều tiền vào thị trường khi một cuộc suy thoái kinh tế đang ngấp nghé", ông Michael Reynolds - Phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede - bình luận.
"Chỉ nên tận dụng lợi thế để 'mua đáy' nếu chỉ số S&P 500 giảm 16% so với mức hiện tại", ông nói thêm.
Còn theo bà Cox, các nhà đầu tư theo kiểu lướt sóng nên cẩn trọng với rủi ro suy thoái. "Nhưng nếu là một nhà đầu tư dài hạn, bạn nên mua vào nếu thấy giá cổ phiếu giảm hơn 5% so với thị giá hiện tại", bà chia sẻ.
"Nhìn chung, vẫn rất khó để lạc quan với thị trường cho đến khi lạm phát chạm mức 2%", bà Cox nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp để hạ nhiệt lạm phát. Và điều này giáng đòn mạnh lên các thị trường tài chính.
Sau cuộc họp chính sách tháng 5, các nhà đầu tư gần như chắc chắn rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Nhưng niềm tin đó đã lung lay.
Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, ngày 19/5, các thị trường định giá khả năng Fed dừng tăng lãi suất là 82,6%. Nhưng đến nay, tỷ lệ này giảm chỉ còn 69,7%.
Các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất lên tới 30,3%, tăng vọt từ tỷ lệ 17,5% ngày 19/5.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-den-luc-pho-wall-mua-day-post1433555.html