Đã đến lúc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi?

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi được coi là công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền, từ đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Đối với mọi hệ thống bảo hiểm tiền gửi (BHTG), chi trả tiền bảo hiểm luôn là một trong những chức năng cơ bản nhất. Việc thực hiện chức năng này cùng lúc dẫn tới vai trò đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt, qua đó giữ an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.

Theo các thông lệ quốc tế, hạn mức nên bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG, bao gồm quá trình trả tiền bảo hiểm và nhận thức công chúng.

Luật BHTG quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền này được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ để phù hợp hơn với thực tế. Từ ngày 05/08/2017, hạn mức này đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng từ 50 triệu đồng/người gửi tiền/một tổ chức tham gia BHTG lên 75 triệu đồng/người gửi tiền/một tổ chức tham gia BHTG.

Từ ngày 05/08/2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng Việt Nam

Từ ngày 05/08/2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng Việt Nam

Theo số liệu khảo sát của BHTGVN vào thời điểm năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ là 87,32%, tiệm cận với thông lệ quốc tế là trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. Đồng thời, với hạn mức mới, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm hơn 5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trên toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng, tới nay, các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có nhiều thay đổi. Hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Tình hình tiền gửi được bảo hiểm cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thay đổi theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới cho tổ chức BHTG, tập trung vào việc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, BHTGVN được giao nhiệm vụ phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của BHTGVN trong hai năm vừa qua đã tăng đáng kể, tính từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2019. Đây là nguồn tích lũy quan trọng đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ của tổ chức BHTG.

Tại các sự kiện tuyên truyền về chính sách BHTG, qua tiếp xúc với người gửi tiền được bảo hiểm và các tổ chức tham gia BHTG, người viết ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng hạn mức 75 triệu đồng đã không còn phù hợp với thực tế và kiến nghị nâng hạn mức. Bà Nguyễn Thị Thu Trang ở địa chỉ Hòa An, Cao Bằng cho biết “mức chi trả tối đa 75 triệu đồng là còn thấp đối với những khoản tiền gửi có giá trị lên đến vài tỷ đồng, đề nghị xem xét nâng mức tiền bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp thực tế.”

Việc tăng hạn mức trả tiền BHTG sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng Chính Phủ quyết định trên cơ sở: Năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Tăng hạn mức BHTG sẽ giúp người dân yên tâm gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG, qua đó hỗ trợ cho các tổ chức này tiếp cận với nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Vì vậy, việc rà soát, đánh giá để điều chỉnh hạn mức lên một mức cao hơn sẽ phát huy vai trò của chính sách BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.

Minh Thu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-den-luc-tang-han-muc-tra-tien-bao-hiem-tien-gui-142207.html