Đã đến lúc tính đến mô hình tăng trưởng không chỉ dựa vào vốn
Vẫn biết tốc độ tăng trưởng rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực đầu vào để phục vụ tăng trưởng.
Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu được xây dựng hàng năm bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chấm điểm và đánh giá xếp hạng về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế thế giới. Theo đó, phân loại các nước theo các trình độ phát triển với cấp độ thấp nhất là phát triển chủ yếu dựa trên đầu vào (factor driven), kế đến là dựa trên các yếu tố năng suất, hiệu quả (efficiency driven), và cao nhất là dựa trên đổi mới sáng tạo (innovation driven).
Nền kinh tế chủ yếu dựa trên yếu tố đầu vào là vốn
Các nền kinh tế dựa trên đầu vào thường có đặc điểm dựa vào nguồn lao động, tài nguyên giá rẻ và lấy các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên làm động lực chính cho tăng trưởng.
Chính vì vậy WEF khuyến khích các nền kinh tế cần có chiến lược và hành động để dịch chuyển lên nấc thang cao hơn về năng lực cạnh tranh.
Vốn là một yếu tố đầu vào quan trọng, và trong thời gian vừa qua Việt Nam vẫn dựa nhiều vào vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Nếu đánh giá từ các con số tương đối, trong những năm qua tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
Nói cách khác, để tạo ra một đồng tăng trưởng GDP tăng thêm, Việt Nam luôn cần lượng vốn gia tăng cao hơn. Trong 4 năm gần đây nhất, Việt Nam luôn cần có mức tăng trưởng phần trăm về vốn cao hơn để tạo ra tăng trưởng GDP, dù đo lường bằng vốn đầu tư toàn xã hội hay tín dụng cho nền kinh tế.
Có thể thấy mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng GDP rất rõ nét. Vào năm 2019, để nền kinh tế tăng trưởng 7,02%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng ở mức 10,2%.
Năm 2022, để nền kinh tế tăng trưởng 8,02%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%. Trong khi đó vào năm 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt ở mức thấp lần lượt là 2,91% và 2,58%, thì vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng tương ứng 5,7% và 3,2%.
Như vậy trong những năm gần đây, để tăng thêm 1 điểm phần trăm GDP, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng thêm khoảng 1,4 điểm phần trăm, thậm chí gần 2 điểm phần trăm vào năm 2020.
Nhưng vốn nhiều chưa chắc chuyển hóa thành tăng trưởng
Thực ra, đầu vào cũng không lập tức chuyển hóa thành tăng trưởng, có thể minh chứng trong trường hợp tổng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
Số liệu thống kê trong 4 năm vừa qua cho thấy, tăng trưởng tổng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế dường như không có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng GDP cùng năm. Cụ thể vào năm 2019, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% thì GDP tăng trưởng 7,02%. Tuy nhiên, trong hai năm kế tiếp 2020 và 2021, khi tốc độ tín dụng vẫn tăng ở mức cao 12% và 13%, GDP của 2 năm này chỉ tăng thấp ở mức 2,91% và 2,58%.
Vào năm 2022, khi tăng trưởng tín dụng tăng 14,5%, tốc độ tăng trưởng GDP lại đạt mức cao kỷ lục so với nhiều năm gần đây 8,02%.
Điều này cho thấy, một mặt nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào các yếu tố tăng trưởng đầu vào, đặc biệt là vốn, nhưng mặt khác cũng nêu bật tầm quan trọng của việc cần sử dụng một cách hiệu quả vốn và các nguồn lực đầu vào hơn là chỉ gia tăng về số lượng.
Quan trọng là chất lượng và mô hình tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ đạt mức 5%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra, nhưng đây cũng là mức tăng khá khi so với các nền kinh tế khác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có rất nhiều thách thức.
Vẫn biết tốc độ tăng trưởng rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng, hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực đầu vào để phục vụ tăng trưởng.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã đạt quy mô đáng kể so với trước đây, do vậy cần chú ý nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng, đặc biệt thông qua việc chuyển dịch nhanh hơn nữa mô hình tăng trưởng dựa trên các yếu tố đầu vào như hiện nay, sang mô hình dựa trên hiệu quả và đổi mới sáng tạo.
Sử dụng nguồn lực ít hơn để tạo ra nhiều hơn sản lượng, hay ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tri thức để làm nền tảng cho tăng trưởng, sẽ giúp Việt Nam chuyển dịch nhanh, chắc chắn vào nhóm các nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo như Singapore, Hàn Quốc hay các nền kinh tế thuộc OECD.
Với mục tiêu này, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội cho giai đoạn 2025-2030 sẽ cần được bổ sung thêm nhiều hơn các chỉ tiêu để định hướng nền kinh tế chuyển sang mô hình dựa trên năng suất, hiệu quả và đổi mới sáng tạo, và ít nhấn mạnh hơn các chỉ tiêu về yếu tố đầu vào.
Điều này sẽ giúp cho nền kinh tế có những định hướng phù hợp để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, với chất lượng tăng trưởng cao, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ với mục tiêu để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, và đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp hóa, phát triển dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo và có thu nhập cao vào năm 2045.
Vốn là một yếu tố đầu vào quan trọng, và trong thời gian vừa qua Việt Nam vẫn dựa nhiều vào vốn để thúc đẩy tăng trưởng. Trong những năm gần đây, để tăng thêm 1 điểm phần trăm GDP, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng thêm khoảng 1,4 điểm phần trăm, thậm chí gần 2 điểm phần trăm vào năm 2020.
TS. LÊ DUY BÌNH, Economica Vietnam