Đã đến lúc xây dựng tiêu chí cho lễ hội truyền thống
Dịp rằm tháng 7 vừa qua, câu chuyện phóng sinh lại được đề cập nóng bỏng trên các diễn đàn. Đây là lễ hội tín ngưỡng, nhưng gây ra nhiều hệ lụy về môi trường.
Trong phạm vi địa phương, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo của tỉnh, kiến nghị phối hợp thực hiện 2 việc.
Thứ nhất, tuyên truyền trực tiếp trong các buổi lễ hoặc bằng tờ rơi, băng rôn để thay đổi nhận thức của Phật tử về phóng sinh, tuyệt đối không mua các cá thể chim để phóng sinh, nhằm không tiếp tay cho hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.
Thứ hai, tuyệt đối không cho người dân vào khuôn viên chùa để mua bán chim phóng sinh. Rõ ràng, đã đến lúc phải chấn chỉnh hoạt động lễ hội theo chiều hướng văn minh hơn.
Hiện nay, mỗi năm trên cả nước ta có gần 8.000 lễ hội có quy mô lớn nhỏ. Nghĩa là, trung bình mỗi ngày Việt Nam có 20 lễ hội. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Bộ VH-TT-DL đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” để các địa phương có cơ sở thực hiện một cách bài bản.
Khái niệm lễ hội truyền thống từng gây nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, không thể căn cứ vào độ lùi thời gian hay mức độ định kỳ mà xác định tính truyền thống. Nhất là trong xu hướng hội nhập, bên cạnh những lễ hội dân gian còn có rất nhiều lễ hội mang tính sự kiện, hoặc lễ hội được tiếp nhận quốc tế. Cho nên, đối tượng chi phối của “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” rất rộng.
Việc sử dụng “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” vừa là mục tiêu chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, vừa là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cấu trúc của một lễ hội thường bao gồm phần lễ và phần hội, kèm theo yêu cầu về không gian, thời gian và nghi thức.
Lễ hội trở thành một phần của đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, một nhu cầu thưởng thức văn hóa, tâm linh của con người. Và cộng đồng cũng dần thừa nhận có những lễ hội lịch sử, hoặc lễ hội ngành nghề, có quy mô hoành tráng hơn cả lễ hội dân gian.
Thời gian gần đây, sự bát nháo của các lễ hội là điều ai cũng nhìn thấy và băn khoăn. Mục tiêu ra đời của “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức lễ hội tiến hành các hoạt động cải thiện và tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước.
Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.
Với “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”, các cơ quan quản lý văn hóa cũng có thể từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tiết kiệm khi tham gia lễ hội.
Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội.
Theo đó, có 9 tiêu chí chung cho lễ hội truyền thống. Thứ nhất, công tác quản lý nhà nước về lễ hội chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Thứ hai, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội.
Thứ ba, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Thứ tư, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí phải vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Thứ năm, bố trí các khu dịch vụ đảm bảo mỹ quan di tích, lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách khi tham gia hoạt động lễ hội.
Thứ sáu, các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ công cộng, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa. Thứ bảy, quan hệ giao tiếp, ứng xử của các chủ thể quản lý và người tham gia trong hoạt động lễ hội bảo đảm văn minh, văn hóa.
Thứ tám, tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Thứ chín, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Thông qua lễ hội, mọi người cảm thấy tâm hồn thanh thản, thêm yêu quê hương, đất nước, mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình no đủ, hạnh phúc... Lễ hội còn là dịp mở rộng vòng tay kết nối cộng đồng, khơi dậy ý thức tự hào dân tộc. Bởi lẽ ấy, “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” có quy định để tránh sự nhếch nhác và sự tùy tiện khi tổ chức lễ hội.
Cục Văn hóa cơ sở là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Tất nhiên, sự đa dạng của lễ hội vẫn tiếp tục phát sinh nhiều hiện tượng nằm ngoài sự điều chỉnh của bộ tiêu chí, rất cần sự chung tay của xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị xã hội.
Ít nhất, dựa theo “Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”, sẽ điều chỉnh những biểu hiện “phép vua thua lệ làng” từng gây nhức nhối dư luận. Không thể tiếp tục dung túng cho những lễ hội mang tính mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh đã và đang gây nhiều nhức nhối đời sống tinh thần của cộng đồng.