Đã được luật hóa, vì sao nhiều nơi vẫn chưa thể phân loại rác tại nguồn?

Phân loại rác tại nguồn là một bước quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Dù đã được luật hóa song đến nay, quy định vẫn chưa thể khả thi ở nhiều nơi, thậm chí vẫn còn những người không biết đến.

Nhiều người chưa nắm rõ quy định về phân loại rác tại nguồn

Theo số liệu thống kê, mỗi ngày, nước ta thải ra môi trường hơn 67.000 tấn rác thải, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị chiếm khoảng 60%. Phần lớn lượng rác thải này đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định chậm nhất 31/12/2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân và kể cả những công nhân thu gom rác vẫn chưa nắm rõ quy định này.

Dù quy định phân loại rác có hiệu lực song vẫn còn nhiều người không biết đến thông tin này.

Dù quy định phân loại rác có hiệu lực song vẫn còn nhiều người không biết đến thông tin này.

Chị Trần Thị Thảo Trang (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, hiện việc vứt rác của gia đình vẫn diễn ra bình thường, không có gì thay đổi so với trước đây. "Khi đọc trên báo thấy thông tin không phân loại rác sẽ bị phạt, tôi có hỏi cô thu gom rác khu nhà tôi thì cô ấy nói chưa có chỉ đạo gì. Việc thu gom rác vẫn diễn ra như trước đây", chị Trang cho hay.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, chúng ta đang quan tâm nhiều tới rác thải sinh hoạt (RTSH), còn loại hình chất thải rắn xây dựng (chiếm từ 15-16% CTRSH đô thị) chưa quan tâm. Hệ lụy từ cách làm hiện nay là: lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường (đốt RTSH cũng gây ô nhiễm môi trường), nhập RTSH đã phân loại từ nước ngoài sẽ mất ngoại tệ.

"Rác thải về bản chất tại mỗi gia đình hay chung cư và cửa hàng có rất nhiều loại (ít nhất 30-50 loại, ngay nhựa cùng có 6-7 loại nếu muốn tái chế phải tách riêng ra chứ không tái chế chung được) ở nơi phát sinh rác thải có thể là tài nguyên, nhưng khi gom lại (sau 2-7 ngày) đưa đến bãi rác hay khu liên hợp xử lý nó chỉ là rác chỉ để xử lý (đốt hay chôn lấp). Hiện nay có rất nhiều mô hình thử nghiệm phân loại rác thải tại nguồn áp dụng tại rất nhiều thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh,...) nhưng chỉ vận hành mang tính chất "trình diễn" theo dự án tài trợ của tổ chức nước ngoài hay ngân sách. Nhưng tất cả đều không thành công với các lý do: thiếu xe chuyên dụng, thiếu nơi chứa đựng hay nhận thức của người dân chưa cao...".

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Nếu chỉ lấy một số khiêm tốn chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý cho 1 (một) tấn chất thải sinh hoạt là 50 USD thì 1 ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/1 năm). Đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế.

Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050

Vì sao luật chưa đi vào cuộc sống?

PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cho biết, cũng giống như Hà Nội, ở TP.HCM, chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong việc phân loại rác. "Các địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trên thực tế, đa phần người dân vẫn chưa thực hiện việc này. Họ chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhiều người còn rất ngỡ ngàng khi được hỏi về cách thức phân loại rác, có những người còn chưa biết đến quy định này." - PGS.TS Lê Hùng Anh thông tin.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng khi Luật đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống thì cần phải xem xét đang có vấn đề chỗ nào, việc ban hành các văn bản dưới Luật đã phù hợp chưa… Do đó, việc thực hiện cũng nên theo từng cấp độ.

Nghị định 45/2022 của Chính phủ áp dụng mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt đủ sức răn đe song chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải.

"Quan điểm của tôi về vấn đề này không đơn giản là 500.000đ hay 1.000.000đ mà vấn đề là sẽ xử phạt như thế nào. Hiện nay TP Hà Nội đang phân loại rác thành 4 loại: rác sinh hoạt, rác tái chế, rác thải cồng kềnh xây dựng, rác thải là đồ gia dụng và rác nguy hại. Công ty TNHH một thành viên môi trường Hà Nội đang thu gom theo giờ đối với chất thải sinh hoạt, đối với rác thải cồng kềnh thì họ sẽ có chỗ để quy định và gom theo giờ.

Việc có chỗ để người dân bỏ các loại rác ra đấy thì tôi cũng đồng ý nhưng thu gom theo giờ là những hạn chế rất lớn bởi người dân không thể nào nhớ nổi những giờ đó và việc phát sinh chất thải sẽ khiến cho họ cần chỗ lưu trữ trong gia đình, đến giờ đấy mới mang ra thì sẽ khó. Mỗi hộ gia đình mỗi khác, có hộ có chỗ để phân loại nhưng có hộ thì không và ý thức người dân mỗi người mỗi khác khác. Chính vì vậy nên cần xem lại việc xử phạt đó đã hợp lý hay chưa.

"Tôi nghĩ rằng nếu không quy định giờ mà có chỗ cho người dân bỏ vào đó, nếu người dân không bỏ rác vào, ví dụ như chất thải nguy hại và chất thải cồng kềnh, nếu không bỏ đúng chỗ thì có thể xử phạt. Vì vậy, khi xử phạt thì nên có chế tài, cách vận hành tổ chức phù hợp hơn" - PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói.

Phân loại rác tại nguồn là một bước quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng để quy định này thực sự đạt hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ các cấp chính quyền, các tổ chức và cộng đồng. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng là không chỉ là áp dụng các hình phạt mà còn cần một chiến lược tổng thể để tạo ra một hệ thống phân loại rác đồng bộ và hiệu quả.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-duoc-luat-hoa-vi-sao-nhieu-noi-van-chua-the-phan-loai-rac-tai-nguon-169250205110205179.htm