Đã giải mã được bí ẩn nguồn gốc tượng Nhân Sư Lớn ở Ai Cập, không phải do con người?

Qua một thí nghiệm mô phỏng mới đây, các nhà khoa học cho rằng họ đã giải mã được cách mà tượng Nhân Sư Lớn ở Giza (Ai Cập) hình thành vào 4.500 năm trước. Và đó đúng là điều mà không ai ngờ tới.

Có những điều bí ẩn mà qua nhiều thế hệ, con người vẫn chưa thể hiểu được hết. Một trong số đó là tượng Nhân Sư Lớn ở Giza (Ai Cập).

Nhưng giờ đây, nhờ có khoa học, một số bí ẩn đã dần có lời giải đáp, và những lời giải đáp đôi khi không hề như những gì chúng ta vẫn nghĩ.

Suốt nhiều năm nay, con người luôn tin rằng những người Ai Cập cổ đại đã tự tạo nên tượng Nhân Sư bằng cách mài, khắc đá, tóm lại là hoàn toàn thủ công, rất hao công tốn sức. Nhưng các nhà khoa học ở ĐH New York (Mỹ) mới phát hiện ra rằng tượng Nhân Sư Lớn là sản phẩm của Mẹ Thiên Nhiên.

Tượng Nhân Sư Lớn ở Giza (Ai Cập). Ảnh: Getty.

Tượng Nhân Sư Lớn ở Giza (Ai Cập). Ảnh: Getty.

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã tái tạo các điều kiện môi trường ở đúng khu vực đó (Giza hiện nay), vào đúng thời điểm đó (4.500 năm trước). Từ đây, họ thấy gió thổi mạnh xung quanh khối đá lớn và cuối cùng đã tạo thành đúng hình của một trong những bức tượng nổi tiếng nhất thế giới hiện nay - tượng Nhân Sư Lớn.

Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Physical Review Fluids của Hiệp hội Vật lý Mỹ.

Quả thật là “không ngờ tới phải không”!

Leif Ristroph, nhà nghiên cứu ở ĐH New York, nói: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy một “câu chuyện nguồn gốc” về cách mà các “công trình” như tượng Nhân Sư Lớn đã hình thành: Hoàn toàn có thể từ sự xói mòn, bởi những luồng gió thổi nhanh và mạnh”.

Hóa ra bức tượng trứ danh này có khả năng lớn là sản phẩm của Mẹ Thiên Nhiên chứ không phải của con người. Ảnh: Getty.

Hóa ra bức tượng trứ danh này có khả năng lớn là sản phẩm của Mẹ Thiên Nhiên chứ không phải của con người. Ảnh: Getty.

Trước đây, cũng từng có một nhà địa chất tên là Farouk El-Baz gợi ý rằng tượng Nhân Sư ban đầu có thể là một khối đá có bề mặt phẳng. Thế rồi gió đã khiến khối đá dần dần bị xói mòn và thành hình mà chúng ta gọi là Nhân Sư.

Không chỉ vậy, ông El-Baz còn cho rằng những người xây dựng các Kim Tự Tháp đều biết về quá trình tự nhiên này, do đó đã xây dựng các Kim Tự Tháp thành hình chóp nhọn để có thể tồn tại được lâu dài. Ông El-Baz nói: “Ngày nay, các Kim Tự Tháp ở Giza hòa hợp hoàn hảo với môi trường nhiều gió ở đó. Chứ nếu người Ai Cập cổ đại xây dựng những khối hình lập phương, hay chữ nhật, hay theo kiểu sân vận động, thì chúng đã bị xóa sổ từ lâu do sự xói mòn của gió rồi”.

Người Ai Cập cổ đại đã biết về sức mạnh của gió nên dựa vào đó để xây dựng Kim Tự Tháp. Ảnh: Pyramid of Giza.

Người Ai Cập cổ đại đã biết về sức mạnh của gió nên dựa vào đó để xây dựng Kim Tự Tháp. Ảnh: Pyramid of Giza.

Vậy là sau rất nhiều năm con người cố tìm hiểu xem những người cổ đại đã vất vả thế nào mới xây dựng được tượng Nhân Sư Lớn, thì hóa ra nguồn gốc của bức tượng nổi tiếng này có thể lại đơn giản hơn nhiều.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/da-giai-ma-duoc-bi-an-nguon-goc-tuong-nhan-su-lon-o-ai-cap-khong-phai-do-con-nguoi-post1583213.tpo