Đã giỏi kiếm tiền, có nhất thiết phải giỏi nội trợ?
Tôi phải làm sao để một nữ trí thức như bà thông gia hiểu và đồng cảm với con dâu đây?
Vừa gặp tôi, chị thông gia đã than phiền: “Con dâu nó đang ép chồng nó chuyển ra ở riêng. Ông bà tính sao thì tính, chứ không đời nào tôi chấp nhận chuyện đó. Nếu chúng nó ra riêng là tôi từ mặt. Tôi thà cô độc đến hết đời chứ không chấp nhận có thứ con như vậy”.
Chị thông gia của tôi là một nữ trí thức. Khi con gái làm dâu một gia đình gia giáo, nề nếp như thế, không chỉ tôi, mà họ hàng, bè bạn đều mừng.
Con gái tôi học giỏi, chăm ngoan, và hiện có công việc ổn định, thu nhập cao. Chỉ có điều con không phải là một phụ nữ giỏi nội trợ. Nói đúng hơn, con tôi không có thời gian cho việc đó. Từ bé, mục tiêu lớn nhất của con là luôn chinh phục những đỉnh cao học vấn, săn học bổng, và có một công việc ít nhất kiếm được vài trăm đô la một ngày.
Tôi dạy con gái rằng: “Phụ nữ phải là một nội tướng trong gia đình”. Lúc nhỏ thì nó im lặng vẻ nghĩ ngợi, lớn lên, có lần nó cười to: “Mẹ lạc hậu quá. Thời nay chỉ cần kiếm được nhiều tiền, những thứ khác đã có người làm thuê cho ta rồi”.
Và rồi, thế này đây: Những ngày đầu con gái đi làm dâu, tôi gọi điện hỏi thăm chị thông gia, dặn chị chỉ dạy giúp con bé. Chị cười, bảo “Yên tâm, tôi sẽ từ từ hướng dẫn. Chẳng mấy chị sẽ ngạc nhiên cho mà xem”.
Rồi chẳng mấy bữa, chị lại chủ động gọi cho tôi, than phiền là con dâu thông minh ở đâu không biết, chứ việc nội trợ sao… chậm tiêu quá thể. Có mỗi món trứng bác đúng điệu mà chị hướng dẫn năm bảy lần nó không làm được. Đấy là món đơn giản nhất nhé. Bao giờ mới yên tâm giao cả cái bếp cho nó?
Chị thông gia là bác sĩ, ưa sạch sẽ, nấu ăn ngon. Trước khi nghỉ hưu, ngày nào chị cũng tự nấu ăn cho gia đình đủ ba bữa, không bao giờ để chồng con phải đi ăn cơm hàng.
Tôi tế nhị chuyển lời chị đến con gái. Không ngờ nó thản nhiên: “Con không có ý định làm chủ cái bếp đó. Con sẽ thuê người giúp việc”.
Nhưng vài hôm sau, vẫn xoay quanh chuyện nấu nướng, vệ sinh nhà cửa, chị thông gia bảo: “Tôi có vài món ăn tuyệt vời, và chỉ truyền bí quyết cho con dâu. Nhưng xem ra con dâu không có thiện chí”.
Tôi lại lựa lời khuyên con gái: “Việc nấu một bữa ăn đôi khi là một niềm vui của phụ nữ. Con xem, thời nay, muốn học nấu một món ăn đâu có khó. Chỉ cần lên mạng, có hàng trăm bài viết, clip hướng dẫn cách làm. Có nhiều chị em không cần bỏ tiền ra đi học nghề làm bánh hay nấu ăn, chỉ cần tìm trên mạng, rồi đúc rút kinh nghiệm, thế mà thành giỏi nghề đấy”.
Thấy con gái im lặng, không phản bác gì, tôi yên tâm. Bẵng đi gần một năm, sau khi con gái sinh cháu, thấy cả mẹ chồng và nàng dâu không ai nhắc đến chuyện nội trợ, dù thi thoảng có hỏi thăm, họ chỉ cười cười, tôi tưởng đã yên. Hóa ra, nó đang ngấm ngầm ép chồng ra ở riêng. Mà nguyên nhân, trời ơi! Vẫn là cái chuyện nấu nướng.
Lần này thì con gái òa nức nở, như cái lò xo bị nén chặt, bật tung lên: “Con quá mỏi mệt vì mẹ chồng bữa nào cũng chê món này nhạt, món kia mặn, món nọ vụng về, món đó không đúng điệu. Con một ngày đi làm từ sáng đến chiều mới về nhà, cháu thì còn nhỏ, mệt vì công việc, mệt vì phải vừa nấu nướng vừa lo không vừa ý mẹ chồng. Tại sao bà không chịu để con thuê người nấu nướng dọn dẹp, mỗi ngày chỉ ba bốn tiếng, chỉ bằng một phần mười thu nhập một ngày của con. Thời gian dành cho việc nhà, con kiếm được nhiều tiền hơn là thuê, lại không phải áp lực. Tại sao mẹ chồng lại không chấp nhận giải pháp đó. Con kiếm tiền giỏi rồi, có nhất định phải giỏi cả nội trợ nữa hay không?”
Nghe con gái tuôn một tràng trong ấm ức, tôi lặng người. Hình như con nói đúng, con người đâu phải ai cũng giỏi giang toàn diện, đã xay lúa thì khỏi ẵm em, các cụ xưa vẫn dạy thế. Huống chi thời nay, phụ nữ hiện đại có những cách giải phóng sức lao động đơn giản mà hiệu quả. Hãy làm việc thông minh, thay vì làm việc chăm chỉ.
Tôi phải làm sao để một nữ trí thức như chị thông gia hiểu và đồng cảm với con tôi đây?