Đã hết cô đồng bổ cau chưa?
Ở không ít nơi vẫn còn những 'cô', 'cậu' đang hoạt động mê tín dị đoan mà chính quyền địa phương đang làm ngơ.
Tuần qua, cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” ở phường Hiến Thành đã bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và bị buộc gỡ bỏ những thông tin đã đưa lên mạng xã hội.
Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao về một cô đồng có tên T.H. sinh sống trên địa bàn thị xã Kinh Môn. Cô đồng này nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác bằng hình thức bổ cau. Một thời gian ngắn sau khi được chia sẻ, thông tin về cô đồng T.H. và cách xem bói của người này lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Và cụm từ “đúng nhận, sai cãi” nhanh chóng trở thành cụm từ “nóng” trên các mạng xã hội. Từ những đoạn video, đông đảo người dân đã tìm đến nhà cô đồng T.H. để xem bói.
Được biết, sau khi bị phạt, cô đồng này đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, liệu trên địa bàn tỉnh đã hết những cô đồng bổ cau hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa. Mùa xuân cũng là mùa làm ăn của nhiều “cô”, nhiều “cậu” ở nhiều nơi. Ngoài xem bói qua hình thức bổ cau, còn có người xem chân gà, xem bằng lá trầu, xem bằng tờ tiền mà người xem mang đến… Không chỉ xem bói trực tiếp, trong thời đại 4.0, nhiều “cô”, “cậu” đã mở rộng kênh làm ăn thông qua mạng xã hội. Một số thầy bói thường xuyên phát trực tiếp các clip trên mạng xã hội với những lời gọi mời như: “Vâng lệnh phật trời, quyết đoán vận mệnh, gia đạo, tình duyên...”, “Bói tướng, bài tây miễn phí chỉ cần like (thích) và share (chia sẻ) Facebook”... Những trang cá nhân này đã thu hút hàng nghìn người chờ tới giờ thầy bói livestream (phát trực tiếp) để hy vọng được gọi tên đoán mệnh. Do được tương tác với các thầy bói, cô đồng nên số lượng người xem bói trên mạng xã hội rất đông. Để đến lượt mình, người xem phải chia sẻ công khai các clip phát trực tiếp của các thầy bói, cô đồng trên các trang mạng xã hội. Cứ như vậy, hàng nghìn người kiên trì theo dõi, chia sẻ các clip này chỉ để mong được thầy gọi tên.
Cô đồng bổ cau bị bại lộ do tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng xã hội, nhưng trên thực tế ở không ít nơi vẫn còn những “cô”, “cậu” đang hoạt động mà chính quyền địa phương đang làm ngơ. Nói là làm ngơ bởi không thể có chuyện có người trên địa bàn xưng được ăn lộc trời, lộc thánh, người người kéo đến đầy nhà xem bói mà hàng xóm láng giềng không biết, lãnh đạo thôn, xã (phường) không hay. Và đáng buồn là vẫn còn không ít người luôn sẵn sàng mất tiền mua lo vào người, tạo đất sống cho các “cô”, các “cậu” làm ăn.
Sau khi cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” bị phạt, nhiều người bình luận rằng mức phạt này quá còn nhẹ.
Theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 bộ luật này. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Do vậy, chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ với những trường hợp đã bị xử phạt như cô đồng T.H ở Hiến Thành, nếu tái phạm cần tăng nặng hình thức xử phạt để tăng sức răn đe, không chỉ răn đe đối tượng bị phạt mà còn cảnh cáo, răn đe cả những đối tượng đang hành nghề bói toán khác. Việc kiểm tra, xử phạt, bóc gỡ các hoạt động mê tín dị đoan phải làm đồng loạt, tổ chức thành cao điểm, bởi nếu không quản nghiêm thì dẹp chỗ nọ sẽ lại phình chỗ kia.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/da-het-co-dong-bo-cau-chua-226674