Đạ Huoai đẩy mạnh phát triển sầu riêng VietGAP
Đạ Huoai được xem là 'thủ phủ' sầu riêng của tỉnh và đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có loại cây trồng nào thay thế được. Hiện tại, chính quyền, ngành chức năng địa phương đã và đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân chú trọng phát triển sầu riêng VietGAP nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm loại trái cây này.
Nhìn từ “trái tim” của thủ phủ sầu riêng
Với diện tích và sản lượng hàng năm, Đạ Huoai đã khẳng định vững chắc vị thế “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có khoảng 3.400 ha sầu riêng; trong đó, có khoảng 2.500 ha đã cho thu hoạch. Hầu hết sầu riêng Đạ Huoai hiện đã được người dân chuyển đổi qua trồng các giống ghép Thái Lan cho năng suất, chất lượng cao như Mong Thong, Ri6 và Đô Na. Năm 2020, sản lượng sầu riêng Đạ Huoai đạt hơn 25.000 tấn và mang lại nguồn thu cho người dân toàn huyện hơn 1.000 tỷ đồng. Những cơ sở vững chắc này đủ để khẳng định Đạ Huoai là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh; trong đó, Hà Lâm là “trái tim” của thủ phủ sầu riêng, với hơn 1.300 ha.
Để nâng tầm giá trị sầu riêng, năm 2019, huyện Đạ Huoai đã triển khai Đề án “Truy xuất nguồn gốc sầu riêng” giai đoạn 2019 - 2025. Để tiến hành, UBND huyện Đạ Huoai đã chọn Hà Lâm là địa phương tiên phong thực hiện và chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp tuyên truyền vai trò và tầm quan trọng của Đề án tới người dân. Từ đó, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được các ngành chức năng chú trọng, hướng người dân làm quen với quy trình sản xuất VietGAP, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai.
Theo đó, trong 2 năm (2019 và 2020) thực hiện Đề án, huyện Đạ Huoai đã hỗ trợ gần 900.000 tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 530 ha sầu riêng trên toàn huyện. Trong đó, riêng 2 xã Hà Lâm và Phước Lộc đạt hơn 400 ha sầu riêng sản xuất theo hướng an toàn VietGAP.
Ông Nguyễn Trọng Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai), trao đổi: “Sầu riêng đã và đang giúp cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày. Cũng nhờ cây sầu riêng mà giờ đây toàn xã không còn hộ nghèo và hộ giàu, khá chiếm tới hơn 80%. Để giá trị trái sầu riêng ngày càng được nâng cao, ngoài việc chuyển đổi giống, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức phát triển sản xuất theo hướng VietGAP được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trong các năm 2019 và 2020, toàn xã đã có gần 280 ha sầu riêng được người dân sản xuất theo hướng VietGAP. Riêng năm 2021, địa phương có thêm gần 75 ha được bà con chủ động đăng ký sản xuất VietGAP”.
Những khó khăn cần giải quyết
Theo ông Phạm Quang Chiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai, với những thành quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Đề án “Truy xuất nguồn gốc sầu riêng” giai đoạn 2019 - 2025, địa phương đang đặt ra mục tiêu năm 2021 toàn huyện phát triển thêm 315 ha sầu riêng VietGAP. Qua đó, nâng tổng diện tích sầu riêng VietGAP của toàn huyện lên gần 850 ha.
Đến nay, huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao tại xã Hà Lâm; đồng thời, tổ chức quy hoạch thêm 4 vùng ứng dụng sản xuất sầu riêng công nghệ cao tại các xã Đạ Ploa, Phước Lộc, Đạ Oai và Đạ Tồn. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 1.100 ha sầu riêng sản xuất công nghệ cao theo hướng VietGAP. Trong quá trình từ nay đến năm 2025, ngoài việc phát triển sầu riêng VietGAP, Đạ Huoai sẽ hỗ trợ kinh phí và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, quy mô khoảng 7 ha; đồng thời, hỗ trợ chứng nhận quy trình chế biến sầu riêng đạt tiêu chuẩn HACCP để hướng tới xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới.
Đó là những hướng đi mà huyện Đạ Huoai cùng các ngành chức năng và người dân địa phương đã và đang hướng tới để góp phần nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm sầu riêng địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, Đạ Huoai đang gặp phải những khó khăn, tồn tại cần giải quyết, tháo gỡ.
Ông Trần Quyền - Tổ trưởng Tổ sản xuất sầu riêng VietGAP (Thôn 1, xã Hà Lâm), cho hay: “Vấn đề người dân sản xuất sầu riêng VietGAP đang đặc biệt quan tâm đó chính là thị trường tiêu thụ và giá thành sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa có đầu ra ổn định. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thành của mặt hàng này so với sầu riêng không VietGAP gần như ngang nhau. Hiện tại, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2021 đang bắt đầu và giá thành sầu riêng VietGAP của bà con cũng chỉ bán ngang bằng với giá thị trường chung là 60 - 65 ngàn đồng/kg. Đây là khó khăn mà người dân cần được tháo gỡ để yên tâm đầu tư phát triển sầu riêng VietGAP bền vững trong tương lai”.
Theo ông Lưu Tiến Chinh - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, địa phương tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu sầu riêng Đạ Huoai. Tiếp tục đeo bám để có kết quả cấp mã số vùng trên diện tích đã nộp hồ sơ năm 2020; đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cấp mã số vùng trồng sầu riêng trong kế hoạch 2021, nhằm chủ động trong việc bổ sung, hoàn thiện thông tin truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
“Hiện tại, địa phương đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sớm tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án liên kết chuỗi giá trị sầu riêng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, từng hộ dân tích cực tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ trong nước. Qua đó, thúc đẩy phát triển nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai cả ở thị trường trong nước và quốc tế” - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Lưu Tiến Chinh cho biết thêm.